Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 2 tháng 1 2020 lúc 10:53:38


Mục lục
* * * * *
Luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận

I. THỰC HÀNH TÌM HIỂU YẾU TỐ NGHỊ LUẬN TRONG ĐOẠN VĂN TỰ SỰ

1. Đọc đoạn văn sau:

LỖI LẦM VÀ SỰ BIẾT ƠN

          Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người có xảy ra một cuộc tranh luận và một người nổi nóng, không kiềm chế được mình đã nặng lời miệt thị người kia. Cảm thấy bị xúc phạm, anh không nói gì, chỉ viết lên cát: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”.

          Họ đi tiếp, tìm thấy một ốc đảo, và quyết định đi bơi. Người bị miệt thị lúc nãy bây giờ bị đuối sức và chìm dần xuống. Người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Khi đã lên bờ, anh lấy một miếng kim loại khắc lên đá: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”.

          Người kia hỏi: “Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát còn bây giờ anh lại khắc lên đá”?

          Anh ta trả lời: “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người”.

          Vậy, mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.

(Hạt giống tâm hồn, tập 4,

NXB Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2004)

2. Và trả lời câu hỏi:

Trong đoạn văn trên, yếu tố nghị luận thể hiện ở những câu văn nào? Chỉ ra vai trò của các yếu tố ấy trong việc làm nổi bật nội dung của đoạn văn.

Trả lời

- Yếu tố nghị luận trong bài Lầm lỗi và sự biết ơn được thể hiện ở

+ Bố cục của bài: Hai đoạn đầu của bài đưa ra 2 cảnh ngộ khác nhau, hai cách biểu hiện ý nghĩ khác nhau, sự đối lập đó đòi hỏi lời giải thích.

+ Lời giải thích của người bạn ẩn chứa một triết lý sống cũng là lời đề nghị sâu sắc: "Những điều viết trên cát sẽ mau chóng bị xoá nhoà theo thời gian, nhưng không ai có thể xoá được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người".

- Nếu không có yếu tố nghị luận đó văn bản sẽ không có sự liên kết nội tại giữa các cảnh ngộ được kể lại. Do đó văn bản sẽ không tồn tại được.

- Viết lại đoạn cuối:

Câu chuyện chứa đựng một bài học triết lí sâu sắc. Nó khuyên người ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát. Hãy học cách khắc ghi những ân nghĩa lên đá. Bài học này là cách diễn đạt khác đi của một triết lí dân gian: oán nên cởi, ân nên buộc.

II. THỰC HÀNH VIẾT ĐOẠN VĂN TỰ SỰ CÓ SỬ DỤNG YẾU TỐ NGHỊ LUẬN

Bài 1. Viết một đoạn văn kể lại buổi sinh hoạt lớp. Trong buổi sinh hoạt đó, em đã phát biểu ý kiến để chứng minh Nam là một người bạn rất tốt

Gợi ý

a. Buổi sinh hoạt lớp diễn ra như thế nào? (thời gian, địa điểm, ai là người điều khiển, không khí của buổi sinh hoạt lớp ra sao,...).

b. Nội dung của buổi sinh hoạt la gì? Em đã phát biểu về vấn đề gì? Tại sao lại phát biểu về việc đó?

c. Em đã thuyết phục cả lớp rằng Nam là người bạn rất tốt như thế nào? (lý lẽ, ví dụ, lời phân tích).

Bài 2.

Viết đoạn văn kể về những việc làm hoặc những lời dạy bảo giải dị mà sâu sắc của người bà kính yêu đã làm cho em cảm động [...]

Bài làm mẫu

          Tôi ở với bà nội từ nhỏ. Những bước đi đầu tiên của mỗi người thường có dáng dấp của sự e sợ, rụt rè. Nhưng khi bắt đầu những bước đi đầu tiên ấy tôi lại rất tự tin. Bởi tôi biết rằng đằng sau tôi luôn có một bàn tay đang dang rộng để nâng đỡ và làm điểm tựa cho tôi. Đó không phải là một bàn tay nào khác mà chính là bàn tay của bà - bàn tay thô sơ, dan dát vị nắng mưa, sương gió cuộc đời. Và những bài học làm người đầu tiên của tôi không đến từ bài giảng của cô giáo mà đến những câu chuyện cổ tích bà thường kể cho tôi nghe trước khi ngủ. Những lời kể của bà gieo vào lòng tôi biết bao ước mơ, niềm tin và cũng khiến tôi suy nghĩ nhiều. Suy nghĩ về những lời dạy dỗ được bà gửi vào câu chuyện. Tôi còn nhớ khi bà kể câu chuyện "Cô chủ nhỏ", bà đã nói: "Không nên sống dửng dưng, hờ hững mà phải biết trân trọng những vẻ đẹp và giá trị thân thuộc, bình dị của cuộc sống, nhất là tình cảm. Đừng nên xem nhẹ tình bạn, tình thân ngày hôm nay, bởi ngày hôm sau khi nhìn lại nó là cả một kho báu quý giá". Nghe bà nói, có ai biết được rằng bà chưa một lần được đi học, được biết chữ. Nhưng có lẽ đi học hay không đi học, biết chữ hay không biết chữ đã không còn quan trọng nữa mà cải chính là ở tâm của mỗi con người. Tâm sáng khiến con người ta có được cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, khiến con người ta đẹp đẽ lạ thường giống như bà của tôi vậy. Ngày hôm nay, khi đã không còn sống bên bà nữa nhưng mỗi bước chân của tôi trên con đường đời vẫn văng vẳng tiếng bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa... Sau này, dù đi nhiều nơi, từng đặt chân tới nhiều chốn nhưng những bài học của bà và hình ảnh bà vẫn lưu trong tim tôi. Với tôi, bà luôn là người bà hiền dịu, phúc hậu, đáng kính nhất trên đời.


Được cập nhật: 13 tháng 4 lúc 7:01:24 | Lượt xem: 683