Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Soạn bài Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 2 tháng 1 2020 lúc 14:25:32


Mục lục
* * * * *
Liên kết câu và liên kết đoạn văn

I. KHÁI NIỆM LIÊN KẾT

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

          Tác phẩm nghệ thuật nào cũng cây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại (1). Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ (2). Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh (3).

(Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ)

1. Đoạn văn trên bàn về vấn đề gì? Chủ đề ấy có quan hệ như thế nào với chủ đề chung của văn bản?

2. Nội dung chính của mỗi câu trong đoạn văn trên là gì? Những nội dung ấy có quan hệ như thế nào với chủ đề của đoạn văn? Nêu nhận xét về trình tự sắp xếp các câu trong đoạn văn.

3. Mối quan hệ chặt chẽ về nội dung giữa các câu trong đoạn văn được thể hiện bằng những biện pháp nào (chú ý các từ ngữ in đậm)?

Trả lời

1.

- Đoạn văn trích dẫn bàn về tâm sự người nghệ sĩ muốn gửi gắm trong tác phẩm.

- Vấn đề trên là bộ phận gắn với chủ đề chung của văn bản Tiếng nói của văn nghệ.

2.

Câu 1: chỉ rõ vật liệu xây dựng nên tác phẩm.

Câu 2: chỉ rõ tâm sự người nghệ sĩ gửi trong tác phẩm.

Câu 3: chỉ rõ mục đích của tâm sự gửi trong tác phẩm.

=> Ba câu trên có quan hệ với nhau và làm nổi rõ chủ đề của cả đoạn. Cách sắp xếp đi từ rộng đến hẹp, từ xa đến gần nhằm khẳng định chủ đề đoạn văn.

3. Các câu được liên kết về mặt hình thức bằng các biện pháp:

- Câu 2 dùng cụm từ “nhưng nghệ sĩ” để đưa ra nội dung mới là sự bổ sung cho nội dung của cầu trước đó.

- Câu 3 dùng từ anh thay thế cho từ nghệ sĩ ở câu 2, tạo sự liên kết giữa hai câu.

GHI NHỚ

Các đoạn văn trong văn bản bao giờ cũng như các câu trong 1 đoạn văn phải liên kết chặt chẽ với nhau về nội dung và hình thức.

- Về nội dung:

+ Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu phải phục vụ chủ đề của đoạn văn (liên kết chủ đề)

+ Các đoạn văn văn và các câu phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí (liên kết lôgic)

- Về hình thức, các câu và các đoạn văn có thể được liên kết với nhau bằng một số biện pháp chính như sau:

+ Lặp lại ở câu đứng sau các từ ngữ đã có ở câu trước (phép lặp từ ngữ)

+ Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước (phép đồng nghĩa, trái nghĩa và liên tưởng)

+ Sử dụng ở câu dứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu đứng trước (phép thế)

+ Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu trước (phép nối)

II. LUYỆN TẬP

Phân tích sự liên kết về nội dung, về hình thức giữa các câu trong đoạn sau theo gợi ý nêu ở dưới.

          Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới. Bản chất trời phú ấy rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu. Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề. Không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng.

(Vũ Khoan, Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới)

Gợi ý:

1. Chủ đề của đoạn văn là gì? Nội dung các câu trong đoạn văn phục vụ chủ đề ấy như thế nào? Nêu một trường hợp cụ thể để thấy trình tự sắp xếp các câu trong đoạn văn là hợp lí.

2. Các câu được liên kết với nhau bằng những phép liên kết nào?)

Trả lời

1.

- Đoạn văn có chủ đề: chỗ mạnh và chỗ yếu của con người Việt Nam.

- Đoạn văn có 5 câu: Hai câu đầu bàn về chỗ mạnh của con người Việt Nam (câu 1 khẳng định chỗ mạnh của người Việt Nam là thông minh, nhạy bén với cải mới. Câu 2 chỉ rõ tác dụng của chỗ mạnh đó). Câu thứ 3 là câu chuyện, chỉ rõ bên cái mạnh, người Việt Nam cũng có cái yếu. Câu thứ 4, 5 chỉ rõ chỗ yếu của người Việt Nam (câu thứ 4 nêu rõ hai điểm yếu nhất, những lỗ hổng về kiến thức, khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế. Câu thứ 5 chi rõ tác hại, nguy cơ do các điểm yếu đó gây nên). Cách sắp xếp các câu trong đoạn như thế là chặt chẽ và hợp lí.

2.

- Nhưng nói câu 3 với câu 2 (từ chỉ quan hệ)

- Ấy là nối câu 4 với câu 3 (từ chỉ quan hệ).

- Lỗ hổng ở câu 4 và câu 5 (lặp từ ngữ).

- Thông minh ở câu 5 và ở câu 1 (lặp từ ngữ)

Các câu liên kết với nhau bằng các từ ngữ thay thế, từ ngữ đã có ở câu trước (câu 2: bản chất trời phú ấy...) bằng các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu trước (nhưng bên cạnh cái mạnh đó... ấy là ...).


Được cập nhật: hôm qua lúc 22:19:21 | Lượt xem: 586

Các bài học liên quan