Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Xây dựng đoạn văn trong văn bản

Lý thuyết
Mục lục
* * * * *

Câu 1 (Trang 36 – SGK)

Văn bản sau có thể chia thành mấy ý? Mỗi ý được diễn đạt thành mấy đoạn văn.

AI NHẦM

Xưa có một ông thầy đồ dạy học ở một gia đình nọ. Chẳng may bà chủ nhà ốm chết, ông chồng bèn nhờ thầy làm cho bài văn tế. Vốn lười, thầy bèn lấy bài văn tế ông thân sinh ra chép lại đưa cho chủ nhà.
Lúc vào lễ, bài văn tế được đọc lên, khách khứa ai cũng bụm miệng cười. Bực mình, ông chủ nhà gọi thầy đồ đến trách: “Sao thầy lại có thể nhầm đến thế?”. Thầy đồ trợn mắt lên cãi: “Văn tế của tôi chẳng bao giờ nhầm, hoạ chăng người nhà ông chết nhầm thì có”.

(Truyện dân gian Việt Nam)

Hướng dẫn giải

Trong văn bản Ai nhầm được chia thành hai ý và mỗi ý thể hiện bằng một đoạn văn:

  • Đoạn 1: Thầy đồ chép lại bài văn tế ông thân sinh để tế người khác.
  • Đoạn 2: Gia đình có người chết đã trách thầy đồ tế nhầm nhưng thầy đồ cãi liều là “chết nhầm”.

Câu 2 (Trang 36 – SGK)

Hãy phân tích cách trình bày nội dung trong các đoạn văn sau:

a. Trần Đăng Khoa rất biết yêu thương. Em thương bác đẩy xe bò mồ hôi ướt lưng căng sợi dây thừng, chở vôi cát về xây trường học…. Em thương thầy giáo một hôm trời mưa đường trơn bị ngã, cho nên em cùng dân làng bèn đắp lại đường.

 b. Mưa đã ngớt, trời rạng dần, mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó bay ra hót râm ran. Mưa tạnh, phía đông  một mảng trời trong vắt hiện ra. Mặt trời ló ra, chói lọi trên những chùm lá bưởi lấp lánh .

c. Nguyên Hồng(1918-1982) tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng,quê ở thành phố Nam Định.Trước Cách mạng,ông sống chủ yếu ở thành phố cảng Hải Phòng,trong một xóm lao động nghèo.Ngay từ tác phẩm đầu tay,Nguyên Hồng đã hướng ngòi bút về những người cùng khổ gần gũi mà ông yêu thương thắm thiết .Sau cách mạng ông bền bỉ sáng tác và được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật(năm 1996).

Hướng dẫn giải

a. Cách trình bày nội dung: Diễn dịch (câu chủ đề ở vị trí đầu đoạn: Trần Đăng Khoa rất biết yêu thương).
b. Cách trình bày nội dung:  Song hành (không có câu chủ để, chỉ có các từ ngữ duy trì chủ đề: mưa ngớt, mưa tạnh, trời).
c. Cách trình bày nội dung:  Song hành (không có câu chủ đề, chỉ có các từ ngữ duy trì chủ đề: Nguyên Hồng, ông).

Câu 3 (Trang 37 – SGK)

Với câu chủ đề “Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta”, hãy viết một đoạn văn theo cách diễn dịch, sau đó biến đổi đoạn văn diễn dịch thành đoạn văn quy nạp.

Hướng dẫn giải

  • Đoạn văn với chủ đề “Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta”, được viết theo cách diễn dịch:

Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Trải qua hơn 4000 năm dựng và giữ nước, cha ông ta đã kiên cường chiến đấu với nhiều kẻ thù có âm mưu cướp nước. Những cuộc chiến đấu đó là sự chung sức chung lòng của toàn thể dân tộc. Từ những trận chiến đấu vô cùng cam go, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Rồi đó còn là chiến thắng thực dân Pháp sau gần 100 năm độ hộ, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”. Sau những mất mát và đau thương do chiến tranh chống Pháp, nhân dân miền Bắc đã ra sức thi đua sản xuất để góp người góp của, cùng nhân dân miền Nam chiến đấu chống đế quốc Mĩ. Để ngày 30/4/1975, hàng triệu con tim lại vỡ òa trong ngày vui đại thắng của lịch sử dân tộc. Đất nước hòa bình, sạch bóng quân thù, nhân dân hai miền Nam Bắc thống nhất một nhà, cùng nhau xây dựng tổ quốc hòa bình và phát triển phồn vinh.

  • Viết theo lối quy nạp, ta đảo câu chủ đề về cuối văn bản:

Trải qua hơn 4000 năm dựng và giữ nước, cha ông ta đã kiên cường chiến đấu với nhiều kẻ thù có âm mưu cướp nước. Những cuộc chiến đấu đó là sự chung sức chung lòng của toàn thể dân tộc. Từ những trận chiến đấu vô cùng cam go, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Rồi đó còn là chiến thắng thực dân Pháp sau gần 100 năm độ hộ, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”. Sau những mất mát và đau thương do chiến tranh chống Pháp, nhân dân miền Bắc đã ra sức thi đua sản xuất để góp người góp của, cùng nhân dân miền Nam chiến đấu chống đế quốc Mĩ. Để ngày 30/4/1975, hàng triệu con tim lại vỡ òa trong ngày vui đại thắng của lịch sử dân tộc. Đất nước hòa bình, sạch bóng quân thù, nhân dân hai miền Nam Bắc thống nhất một nhà, cùng nhau xây dựng tổ quốc hòa bình và phát triển phồn vinh. Như vậy, lịch sử với nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại, đã chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta.

 

 

Câu 4 (Trang 37 – SGK)

Để giải thích câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công, một bạn đã đưa ra các ý sau:
a. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ.
b. Giải thích tại sao người xưa lại nói Thất bại là mẹ thành công.
c. Nêu bài học vận dụng câu tục ngữ ấy trong cuộc sống.
Hãy chọn một trong 3 ý trên để viết thành một đoạn văn, sau đó phân tích cách trình bày nội dung trong đoạn văn đó.

Hướng dẫn giải

Các bạn có thể chọn ý c “Nêu bài học vận dụng câu tục ngữ ấy trong cuộc sống.” để viết đoạn văn:

Bài viết tham khảo:

Thất bại nào cũng sẽ cho chúng ta những bài học quý giá. Đôi lúc, trong cuộc sống chúng ta gặp phải những thất bại: một bài kiểm tra chưa đạt điểm 10, một kì thi không giành được giải thưởng, một món ăn bạn nấu không ngon… Tất cả những điều đó khiến chúng ta buồn lòng, chán nản và muốn buông xuôi. Nhưng sau mỗi lần vấp ngã, thay vì buồn bã, bạn hãy dành thời gian để tĩnh tâm và suy nghĩ về nguyên nhân của thất bại đó. Có thể bạn đã làm sai hoặc chưa thật sự cố gắng, cũng có thể do một nguyên nhân khách quan nào khác. Việc phân tích những nguyên nhân sẽ giúp bạn rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân, để lần sau không phạm phải sai lầm.

==> Đoạn văn trên sử dụng câu chủ đề đứng đầu đoạn. Các ý trong đoạn văn được triển khai bằng phép diễn dịch.

Có thể bạn quan tâm


Có thể bạn quan tâm