Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng)

Lý thuyết
Mục lục
* * * * *

Câu 1 (trang 53 sgk ngữ văn 12 tập 1)

Tìm những luận điểm chính của bài văn. Anh (Chị) thấy cách sắp xếp luận điểm đó có gì khác với trật tự thông thường?

Hướng dẫn giải

a. Các luận điểm chính của bài

Mở bài: Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ dân tộc nhất là trong lúc này?

Thân bài:

-  Nguyễn Đình Chiểu (con người và cuộc đời) - một nhà thơ yêu nước.

-  Những giá trị thơ văn: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương phản chiếu phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ.

-   Truyện Lục Vân Tiên là một tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu,  phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam.

Kẽt bài: “Đời sống, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng" nêu cao địa vị và tác dụng của văn học nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng.

b. Cách sắp xếp các luận điểm trên khác với trật tự thông thường

-  Thông thường khi nghị luận về một tác phẩm văn học, người viết phải nêu lên các tác phẩm chính có giá trị, sau đó mới tổng kết về con người và tác giả.

-  Ngược lại, Phạm Văn Đồng lại trình bày rất kĩ lưỡng, tường tận về tấm lòng con người của tác giả, sau đó mới lược qua các tác phẩm chính của Nguyễn Đình Chiểu.

-  Với trật tự này, Phạm Văn Đồng muốn nhấn mạnh Nguyễn Đình Chiểu là con người đặc biệt, để hiểu về thơ ông thì trước tiên phải biết được con người của ông. Vì thực tế nhiều người có nhìn thiên lệch về Nguyễn Đình Chiểu nên chưa nhìn đúng và thấy hết những giá trị cơ bản trong cuộc đời và thơ văn của ông.

Câu 2 (trang 53 sgk ngữ văn 12 tập 1)

Theo tác giả, vì sao văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng giống như “những vì sao có ánh sáng khác thường" “con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy?

Hướng dẫn giải

- Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu không trau chuốt, gọt giũa, mà thường chân chất, có chỗ tưởng như thô kệch, phải chăm nhìn thì mới có thể càng nhìn càng sáng

- Ánh sáng tác giả nói tới chính là vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, dân dã của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu:

   + Văn chương hướng tới nhân dân, phục vụ nhân dân, mang tính nhân dân sâu sắc

- Văn chương Nguyễn Đình Chiểu đẹp bởi tư tưởng, tình cảm nồng hậu, cao quý của nhân dân

   + Vẻ đẹp càng cao quý bộ phần khi nhà thơ sáng tác trong cảnh mù lòa, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, bất hạnh

- Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đẹp bởi tư tưởng, tình cảm nồng hậu, cao quý của nhân dân

- Nhận xét, đánh giá của tác giả có ý nghĩa phương pháp luận trong việc nghiên cứu, đánh giá thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

   + Đó là sự điều chỉnh về cách nhìn để có định hướng đúng, trong việc nghiên cứu nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Câu 3 (trang 53 sgk ngữ văn 12 tập 1)

Tác giả Phạm Văn Đồng giúp chúng ta nhận ra những “ánh sáng khác thường" như thế nào trên bầu trời văn nghệ dân tộc?

Hướng dẫn giải

Tác giả giúp ta nhận ra những “ánh sáng khác thường” của ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ:

   + Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu cuộc đời đẹp, đầy nghị lực, dù gặp nhiều khó khăn, bất hạnh, nhưng vẫn đứng thẳng, ngẩng cao đầu sống vì dân, vì nước

   + “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dãi” thái độ Nguyễn Đình Chiểu bất hợp tác quyết liệt trước sự mua chuộc của thực dân Pháp

   + Quan niệm sáng tác chân chính, tiến bộ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

   + Ông cầm bút để chiến đấu, tuyên truyền

- Thơ văn yêu nước của ông phục vụ bền bỉ, đắc lực cho cuộc chiến chống xâm lược

   + Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, điếu Ngư Tiều vấn y đáp…

   + Những tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp người nông dân trong chiến đấu, tấm gương kiên trung

- Thơ văn chứa hào khí, lí tưởng đạo đức, ca ngợi người trọng nghĩa, khinh tài, trước sau một lòng

   + Các tác phẩm ngợi ca: Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Tiểu Đồng, Hán Minh…

   + Bằng cách nhìn mới mẻ, đúng đắn, tác giả có sự nhìn nhận, đánh giá lại “giá trị văn nghệ của bản trường ca hấp dẫn từ đầu đến cuối”

Câu 4 (trang 54 sgk ngữ văn 12 tập 1)

Vì sao tác giả lại cho rằng ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu đáng lẽ ra phải sáng tỏ hơn nữa, không chỉ trong thời ấy mà cả trong thời đại hiện nay?

Hướng dẫn giải

Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa vì:

-   Cho đến nay, vẫn còn rất ít người biết đến thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu; có một số người  thậm chí còn “chê" văn thơ của ông là thô ráp, nôm na.

-   Trong khi đó với những phẩm chất đạo đức và những thành công nghệ thuật, hiệu quả mà văn chương yêu nước của ông đưa lại, có thể khẳng định Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là lá cờ đầu của thơ ca chống Pháp, cần được giương cao hơn nữa trong thời đại của ông và ngay cả thời đại ngày nay.

-  Phải sáng tỏ hơn nữa trong thời đại hiện nay là đế khôi phục lại giá trị đích thực của thơ văn yêu nước lớn miền Nam từng có tác dụng to lớn và sâu rộng trong nhân ta, không chỉ trong thời bấy giờ mà ngay cả trong cuộc sống hiện nay.

Câu 5 (trang 54 sgk ngữ văn 12 tập 1)

Giải thích nguyên nhân của sức hấp dẫn, lôi cuốn của bài văn nghị luận trên

Hướng dẫn giải

Những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm:

- Cách làm nghị luận chỉ xác đáng, chặt chẽ, còn xúc động, thiết tha, với nhiều hình ảnh, ngôn ngữ đặc sắc khiến người đọc nhớ mãi

- Kết hợp giữa hiện thực với thơ văn khiến bài viết mạch lạc, dễ hiểu, tác động và tạo ra sức thuyết phục lớn với người đọc

- Cách nhìn mới mẻ, có giá trị phát hiện của tác giả lôi cuốn người đọc vào bài viết của mình

→ Bằng cách nhìn, nghĩ sâu rộng, mới mẻ làm sáng tỏ mối quan hệ của tác phẩm văn chương với hiện trạng của đất nước lúc bấy giờ, tác giả ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu một con người trọn đời dùng cây bút làm vũ khí chiến đấu.

LUYỆN TẬP ( (trang 54 sgk ngữ văn 12 tập 1)

Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu vẫn không xa lạ với giới trẻ ngày nay và việc học những tác phẩm như Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc của ông ở nhà trường là rất bổ ích.

Anh (chị) hãy viết một bài văn nghị luận để phát biểu ý kiến của mình về vấn đề trên?

Hướng dẫn giải

- Nội dung của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc? (Khóc tế các nghĩa sĩ tử trận tại cần Giuộc, qua đó dựng lên tượng đài nghệ thuật về những nghĩa binh quên mình vì nước, ghi dấu mốc lịch sử bi thương mà hào hùng của dân tộc).

-  Nghệ thuật của bài văn tế: tuy viết theo lối cổ nhưng tài hoa và cảm xúc của nhà thơ đủ để lay động hàng triệu trái tim.

-  Vậy: Ngày nay, thanh niên có cần học tập tình yêu Tổ quốc hay không? (Học sinh bình luận và dẫn đến khẳng định có cần phải học bài này hay không?)

(Tham khảo thêm phần Bài tập nâng cao - Hướng dẫn học bài Vãn tế nghĩa sĩ cần Giuộc - Sách Hướng dẫn học bài, làm bài Ngữ Văn 11, cùng tác giả).

Có thể bạn quan tâm