Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Khái quát văn học Việt Nam từ X đến hết thế kỉ XIX

Lý thuyết
Mục lục
* * * * *

Câu 1: (Trang 112 - SGK Ngữ văn 10 tập 1)

Nêu những điểm chung và điểm riêng của hai thành phần văn học chữ hán và văn học chữ Nôm.

Hướng dẫn giải

  • Điểm chung:
    •  Đều là sáng tác của người Việt.
    • Phát triển trên cơ sở văn tự của người Hán.
    • Đều tích cực phản ánh những vấn đề trong đời sống xã hội, tâm tư, tình cảm của con người thời trung đại.
    •  Đều để lại những thành tựu xuất sắc, có các tác phẩm đạt tới đỉnh cao nghệ thuật của thể loại đó.
  • Điểm riêng:
    • Văn học chữ Hán:
      • Gồm nhiều thể loại phong phú: chiếu, biểu, hịch, cáo, truyện truyền kì, kí sự, tiểu thuyết, chương hồi, phú, thơ cổ phong, thơ đường luật.
      • Là bộ phận có địa vị thống trị, được các triều đại phong kiến coi trọng.
    • Văn học chữ Nôm:
      • Ra đời muộn hơn (khoảng cuối thế kỉ XIII)
      • Chủ yếu là thơ, bao gồm truyện thơ (theo thể lục bát), ngâm khúc ( theo thể song thất lục bát), thơ Nôm, thơ Đường luật, thơ Đường luật thất ngôn xen lục ngôn, hát nói…
      • Là bộ phận không được giai cấp thống trị coi trọng nhưng có vị trí đặc biệt trong nền văn học dân tộc và trong đời sống của nhân dân.

Câu 2: (Trang 112 - SGK Ngữ văn 10 tập 1)

Dựa vào kiến thức được trình bày trong mục II, lập bảng tổng kết về tình hình phát triển của văn học Việt Nam thời trung đại theo mẫu sau:

Hướng dẫn giải

Câu 3: (Trang 112 - SGK Ngữ văn 10 tập 1)

Nêu một số tác phẩm văn học đã học trong chương trình THCS để làm sáng tỏ những đặc điểm lớn về nội dung của văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX.

Hướng dẫn giải

1. Nội dung yêu nước với âm hưởng hào hùng:

  • Chủ nghĩa yêu nước là nội dung lớn, xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của văn học trung đại Việt Nam.
  • Chủ nghĩa yêu nước gắn liền với tư tưởng trung quân ái quốc, không tách rời truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước thể hiện qua những phương diện: ý thức độc lập tự chủ, tự cường, tự hào dân tộc
  • Những tác phẩm đã học:
    • Nam quốc sơn hà
    • Tụng giá hoàn kinh sư
    • Thiên đô chiếu
    • Bình Ngô đại cáo

2. Nội dung chủ nghĩa nhân đạo

  • Thể hiện ở lòng thương người; lên áo, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp con người; khẳng định đề cao con người về các mặt phẩm chất, tài năng, những khát vọng chân chính như quyền sống, quyền hạnh phúc, tự do, khát vọng công lí, chính nghĩa; đề cao những quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa con người với con người.
  • Các tác phẩm đã học:
    • Chuyện người con gái Nam Xương (trích Truyền kì mạn lục).
    • Truyện Kiều
    •  Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích Lục Vân Tiên).

3. Cảm hứng thể sự: phản ánh, phê phán hiện thực xã hội phong kiến

  • Các tác phẩm đã học:
    • Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh (trích Vũ trung tùy bút).
    •  Hoàng Lê nhất thống chí – Hồi thứ mười bốn.

Câu 4: (Trang 112 - SGK Ngữ văn 10 tập 1)

Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX có những đặc điểm lớn nào về nghệ thuật? Từ đó hãy chỉ ra cách đọc văn học trung đại có điểm gì khác với cách đọc văn học hiện đại.

Hướng dẫn giải

Về nghệ thuật, văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX có những đặc điểm lớn như:

  • Tính quy phạm và sự phá vỡ tính quy phạm:
    • Tính quy phạm thể hiện ở quan điểm văn học: coi trọng mục đích giáo huấn “thi dĩ ngôn chí”,”văn dĩ tải đạo”; ở tư duy nghệ thuật; ở thể loại văn học, ở cách sử dụng thi liệu ==> văn học thiên về ước lệ tượng trưng.
    • Một mặt văn học trung đại pháp vỡ tính quy phạm, phát huy cá tính sáng tạo trong cả nội dung và hình thức biểu hiện.
  • Khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị
    • Tính trang nhã thể hiện ở đề tài, chủ đề; ở hình tượng nghệ thuật; ngôn ngữ nghệ thuật
    • Đồng thời văn học ngày càng có xu hướng gắn bó với hiện thực đã đưa văn học từ phong cách trang trọng, tao nhã gắn với đời sống hiện thực, tự nhiên và bình dị.
  • Tiếp thu và dân tộc hoá tinh hoa văn học nước ngoài, chủ yếu từ văn học Trung Quốc. Về ngôn ngữ thì dùng chữ Hán để sáng tác, về thể loại thì tiếp thu các thể cổ phong, thể đường luật, hịch, cáo, chiếu, biểu, tiểu thuyết chương hồi…
    • Quá trình dân tộc hóa hình thức văn học đã sáng tạo ra chữ Nôm trên cơ sở những thành tố chữ Hán để ghi âm, biểu đạt nghĩa tiếng Việt; Việt hóa thể thơ Đường luật thành thơ Nôm đường luật; sáng tạo các thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát, các thể ngâm khúc, truyện thơ, hát nói…
  • Do những đặc điểm về nghệ thuật đó mà cách đọc văn học trung đại khác với cách đọc văn học hiện đại. Khi đọc văn học trung đại cần nắm được các điển tích, điển cố, hệ thống thi liệu mang tính quy phạm để hiểu sâu sắc tác phẩm. Lối diễn đạt của văn học trung đại thường mang tính ước lệ tượng trưng, lời ít ý nhiều, do đó không thể đọc văn học trung đại một cách dễ dãi, qua loa mà phải nghiềm ngẫm để hiểu thấu đáo tác phẩm. Cũng nên biết vắn tắt đôi điểm về chế độ phong kiến nước ta, đặc biệt là cấu trúc ý thức xã hội, hệ tư tưởng phong kiến để lĩnh hội tác phẩm văn học trung đại được tốt.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài tham khảo thêm

Phân tích nội dung yêu nước qua các tác phẩm viết về lịch sử (Những đoạn trích từ Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu, Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên)

Hướng dẫn giải

Nhà thơ xứ Đaghestan là Rasul Gamzatov từng nhận xét: “Nếu anh bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác.” Bởi quá khứ, lịch sử là những điều đã qua, nhưng những điều đã qua ấy đã làm nên hiện tại như bây giờ và là tiền đề cho sự phát triển của tương lai. Tương tự, những tác phẩm viết về lịch sử đóng một vai trò rất quan trọng trong văn học Việt Nam, bởi nhờ đó mà ta có thể cảm nhận được lòng yêu nước nồng nàn của người dân qua từng mốc lịch sử, là nền tảng cho tương lai của đất nước, mà tiêu biểu là những tác phẩm như Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu và Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên.

Nội dung yêu nước của các tác phẩm được thể hiện trước hết qua tình yêu bản sắc văn hóa quê hương. Là người từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, hiểu được sự tàn phá của giặc Minh giày xéo nền văn hóa dân tộc, nên vào năm Hồng Đức thứ 10 (1479), trong biểu dâng sách Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên có nhắc đến cảnh tượng quân Minh triệt phá nền văn hóa Đại Việt mà ông tận mắt chứng kiến cũng như ý đồ ông muốn làm lại một bộ quốc sử: “Quân thù đến xâm chiếm, giáo mác đầy đường, đâu chẳng là giặc Minh cuồng bạo, sách vở cả nước đều trở thành một đống tro tàn…” Xuyên suốt tác phẩm là quá trình dựng xây đất nước cùng với sự phát triển của Phật giáo, của bản sắc văn hóa trong dân gian, trong cung đình, dù là ở bất cứ một thời đại nào. Ngoài ra, những nhận định của Ngô Sĩ Liên trong bộ sử thể hiện niềm tự hào đối với lịch sử dân tộc: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam – Bắc. Thủy tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời đã sinh ra thân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương.”

Lòng yêu nước còn được thể hiện qua việc quan tâm đến nền tự chủ và hòa bình của đất nước.Đối với những người Hán sang cai trị Việt Nam, Lê Văn Hưu đã có những nhận xét tích cực dành cho những người có đóng góp cho sự ổn định của đất nước, như việc ông trân trọng gọi thái thú Sĩ Nhiếp là Sĩ Vương, người đã giữ vững nền tự chủ của Việt Nam thoát khỏi sự cai trị trực tiếp của nhà Ngô trong một thời gian dài. Bình luận về các nhân vật lịch sử có công với đất nước, ngòi bút của Ngô Sĩ Liên cũng thể hiện thái độ trân trọng: “Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa: Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư?”

Nhưng không chỉ dành lời khen, các sử gia luôn nhìn nhận khách quan, phê phán những cái xấu, cái chưa được. Lê Văn Hưu thường có những nhận xét tiêu cực về các nhân vật lịch sử mà ông cho là phải chịu trách nhiệm nhiều hay ít về việc để mất nước vào tay phương Bắc như trường hợp Thừa tướng Lữ Gia của nhà Triệu nước Nam Việt hay vua Lý Nam Đế. Trong khi quan điểm hiện đại ca ngợi Lý Nam Đế là một anh hùng dân tộc của Việt Nam trong cuộc khởi nghĩa chống sự đô hộ của nhà Lương thì Lê Văn Hưu lại chỉ trích tài năng của Lý Nam Đế vì ông bị Trần Bá Tiên đánh bại và Việt Nam lại mất độc lập một lần nữa. Tuy nhiên, Lê Văn Hưu đã dành những lời ca ngợi tốt đẹp nhất cho Hai Bà Trưng, những người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống nhà Hán và cuối cùng thất bại dưới tay Mã Viện vào năm 42. Trong lời bình luận của Lê Văn Hưu, đàn ông Việt Nam thật đáng xấu hổ khi chỉ biết cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương bắc trong khi Trưng Trắc, Trưng Nhị chỉ là đàn bà mà đấu tranh anh dũng cho độc lập của đất nước. Mối quan tâm chủ yếu của Lê Văn Hưu luôn là nền độc lập và sự bình đẳng của Việt Nam trước nước láng giềng Trung Hoa ở phương bắc. Do đó bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu được xem là tác phẩm cần thiết khẳng định nền tự chủ của Việt Nam

Đối với Ngô Sĩ Liên, ông luôn phê phán thẳng thắn, khách quan. Đó là một tinh thần vừa khó vừa quan trọng. Làm được điều ấy đòi hỏi phải có sự trung thực và tính can trường và lòng yêu nước sâu sắc. Xuất phát từ quan điểm Nho giáo, Ngô Sĩ Liên thường đưa ra các nhận xét tiêu cực về các nhân vật lịch sử có hành vi trái ngược với quan điểm Nho giáo. Ví dụ, mặc dù là một ông vua trị vì thành công nhưng Lê Đại Hành vẫn bị chỉ trích nặng nề trong Đại Việt sử ký toàn thư do việc ông kết hôn với Dương Vân Nga là thái hậu của tiền triều. Các việc làm của các vị vua mà không theo các quan điểm về đạo đức và chính trị của Nho giáo cũng bị Ngô Sĩ Liên chỉ trích như việc Đinh Tiên Hoàng lập sáu Hoàng hậu, Lê Long Đĩnh lập bốn Hoàng hậu hay Lý Thái Tổ thiếu quan tâm đến việc học tập Tứ thư Ngũ kinh. Đặc biệt trong trường hợp nhà Trần, Ngô Sĩ Liên luôn luôn có những nhận xét phê phán về việc kết hôn giữa các thành viên gần huyết thống trong gia tộc nhà Trần (hôn nhân nội tộc). Khoảng thời gian ngắn duy nhất trong thời Trần mà Ngô Sĩ Liên ca ngợi là từ khi Trần Thái Tông mất năm 1277 đến khi Trần Anh Tông mất năm 1320, trong khi đó ông vẫn lên án hành động của các vua Trần, chẳng hạn như cuộc thanh trừng tàn nhẫn của Trần Thủ Độ đối với họ Lý hay cuộc hôn nhân gây tranh cãi giữa Trần Thái Tông và Công chúa Thuận Thiên.

Bên cạnh sự quan tâm đến nền độc lập của đất nước, Lê Văn Hưu cũng đặc biệt coi trọng khả năng trị vì đất nước của các vua Việt Nam từ Ngô Quyền đến Lý Anh Tông với các lời bình luận mang quan điểm Nho giáo. Lê Văn Hưu phê phán Lý Thái Tổ xây dựng quá nhiều chùa chiền thay vì phải tiết kiệm các nguồn lực cho đất nước và nhân dân. Việc Lý Thần Tông tôn Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng vào năm 1129 bị Lê Văn Hưu phê phán là "hóa ra hai gốc" và cho rằng Thần Tông nên tôn Lý Nhân Tông làm Thái thượng hoàng thay vì tôn cha đẻ của mình. 

Có thể nói, những tác phẩm lịch sử đã giúp cho chúng ta cảm nhận được lòng nồng nàn yêu nước của các tác giả, từ đó giúp mỗi người suy ngẫm lại bản thân phải làm gì để có thể đóng góp sức mình cho dân tộc. Nhưng trước hết, chúng ta không được quên đi lịch sử, quên đi những gì mà cha ông ta đã hi sinh, như Bác Hồ từng viết:

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.”

 

 => Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì tech12h có dàn ý để các bạn dễ viết bài.

 1. Mở bài

Giới thiệu tầm quan trọng của lịch sử, từ đó mở rộng sang giá trị của những tác phẩm viết về lịch sử. 

2. Thân bài

- Nội dung yêu nước của các tác phẩm được thể hiện trước hết qua tình yêu bản sắc văn hóa quê hương.

- Lòng yêu nước còn được thể hiện qua việc quan tâm đến nền tự chủ và hòa bình của đất nước.

  • Lê Văn Hưu đã có những nhận xét tích cực dành cho những người Hán sang cai trị Việt Nam nhưng có đóng góp cho sự ổn định của đất nước, 
  • Ngòi bút của Ngô Sĩ Liên thể hiện thái độ trân trọng khi bình luận về các nhân vật lịch sử có công với đất nước.
  • Nhưng không chỉ dành lời khen, các sử gia luôn nhìn nhận khách quan, phê phán những cái xấu, cái chưa được. Lê Văn Hưu thường có những nhận xét tiêu cực về các nhân vật lịch sử mà ông cho là phải chịu trách nhiệm nhiều hay ít về việc để mất nước vào tay phương Bắc -> bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu được xem là tác phẩm cần thiết khẳng định nền tự chủ của Việt Nam
  • Ngô Sĩ Liên thường đưa ra các nhận xét tiêu cực về các nhân vật lịch sử có hành vi trái ngược với quan điểm Nho giáo. 

- Bên cạnh sự quan tâm đến nền độc lập của đất nước, Lê Văn Hưu cũng đặc biệt coi trọng khả năng trị vì đất nước của các vua Việt Nam -> bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu được xem là tác phẩm cần thiết khẳng định nền tự chủ của Việt Nam

3. Kết bài

Khẳng định giá trị của các tác phẩm viết về lịch sử và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với dân tộc. 

Bài tham khảo thêm

Nội dung yêu nước được thể hiện như thế nào qua các tác phẩm Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương và "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" của Thân Nhân Trung

Hướng dẫn giải

“Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về”

Những dòng thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã giúp chúng ta cảm nhận được lòng yêu nước nồng nàn mà nhà thơ gửi gắm vào trong tác phẩm. Nhưng không chỉ ở trong những tác phẩm hiện đại, ta mới thấy được điều này. Ngay từ những thời trung đại, lòng yêu nước đã là một nội dung quan trọng trong các tác phẩm lúc bấy giờ. Tiêu biểu trong đó là Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương và “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” của Thân Nhân Trung.

Lòng yêu nước trong các tác phẩm trước hết được thể hiện ở sự lo lắng cho văn hóa, vận mệnh đất nước. Sự lo lắng ấy được thể hiện thông qua dụng ý làm ra bộ Trích diễm thi tập đã được Hoàng Đức Lương nói rõ trong bài Tựa của ông. Đó là biểu hiện của tấm lòng trân trọng đối với di sản tinh thần của quá khứ, là một việc làm cụ thể nhằm bổ cứu cho tình trạng mất mát đáng tiếc trong lịch sử văn học Việt Nam trước thế kỷ 15; và đó cũng chính là ý thức muốn góp phần vào việc xây đắp truyền thống văn hóa văn nghệ lâu đời của dân tộc Việt, nhằm nâng cao thêm uy tín và địa vị tự chủ của nước nhà.

Tác phẩm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” cũng đã thể hiện được sự quan tâm đến rường cột quốc gia của Thân Nhân Trung. Câu mở đầu tác phẩm khiến chúng ta càng thêm khâm phục sự tài đức và khéo léo trong lối hành văn của ông: “Tôi dẫu nông cạn vụng về nhưng đâu dám từ chối xin kính cẩn chấp tay cúi đầu mà làm bài kỉ”. Sau đó ông khẳng định tầm quan trọng của hiền tài đối với sự suy vong của đất nước. Những từ ngữ với kết cấu chặt chẽ, hợp lý rõ ràng bắt đầu được đưa ra với đầy sức thuyết phục: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xống thấp…”. Tác giả nói đến hiền tài là để chỉ những người có tài cao học rộng và có đạo đức. Hiền tài là nguyên khí nghĩa là khẳng định những người có tài cao học rộng và có đạo đức sẽ làm nên vận mệnh của đất nước. Người hiền tài có vai trò quyết định đến sự suy thịnh của đất nước. Hiền tài dồi dào thì đất nước hưng thịnh, hiền tài cạn kiệt thì đất nước suy yếu, người hiền tài chính lá sự kết tụ của tinh hoa đất trời và của dân tộc.

Tác giả đã không ngại gian khó để bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Để hoàn thành "Trích diễm thi tập",  Hoàng Đức Lương đã phải: "tìm quanh hỏi khắp" để sưu tầm thơ ca của những người đi trước. Rồi tác giả "thu lượm thêm thơ của các vị hiện đang làm quan trong triều". Sau đó là công việc biên soạn "chọn lấy bài hay" rồi "chia xếp theo từng loại". Tác giả đặt tên sách là Trích diễm, gồm sáu quyển. Đây là công việc đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức, người không tâm huyết sẽ không thể làm được. Điều thôi thúc Hoàng Đức Lương vượt khó khăn để biên soạn tuyển tập thơ này là: Niềm tự hào văn hiến dân tộc, ý thức trách nhiệm trước di sản bị thất lạc của cha ông, tinh thần độc lập tự chủ và ý thức tự cường trong văn học, ý muốn lưu truyền văn hóa cho đời sau nghiên cứu, tìm hiểu, gìn giữ và bảo vệ nền văn hóa.

Lòng yêu nước của các tác giả được thể hiện ở việc tìm hiểu, đề xuất những hướng đi mới nhằm cải thiện và nâng cao văn hóa, giáo dục cho đất nước. Bài tựa của Hoàng Đức Lương có thể chia làm hai phần rõ ràng, phần đầu tác giả nêu được những nguyên nhân khiến thơ ca không thể lưu truyền rộng rãi. Theo như tác giả phân tích thì có bốn nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan khiến thơ văn không được lưu truyền. Bốn nguyên nhân chủ quan cụ thể là: Lí do thứ nhất là do chỉ có người thích và yêu thơ ca thì mới hiểu được cái hay cái đẹp của thơ ca, nhưng ở đời có mấy ai hiểu được. Thơ ca chỉ có thi nhân mới hiểu được cái hay cái đẹp của nó, vì thơ ca không thể như đồ ăn ngon hay miếng vải đẹp nhìn là có thể biết được, mà nó cần hiểu từ tâm hồn. Nguyên nhân thứ hai, người có học thì lận đận chốn quan trường với các kì thi cử nào đâu có tâm trí mà lo cho thơ ca nữa. Tiếp đến lí do thứ ba, lí do này khá phổ biến, có vài người đam mê thơ ca cũng tìm tòi và học hỏi nhưng cũng chỉ được một thời gian mà thôi, rồi họ cũng chán và bỏ cuộc. Và lí do cuối cùng là do triều đình không quan tâm, các bài thơ cứ viết ra rồi thất lạc mà không hề được lưu giữ. Không có lệnh vua không in hành vì vậy mà thơ ca lại càng mai một. Bốn yếu tố gộp lại khiến thơ văn của chúng ta ngày càng mai một và mất dần. Góp phần với bốn lí do đó còn có lí do khách quan là thời gian trôi qua, triều đại này rồi triều đại khác làm sách vở bị hủy hoại, tan nát, chiến tranh, hỏa hoạn làm sách vở rách nát, mai một. Từ đó, ông đặt ra một vấn đề quan trọng: vấn đề tập hợp, sưu tầm, đánh giá những tác phẩm thơ ca trong quá khứ của cha ông. Cũng từ đó mà xác lập một quan điểm rạch ròi: lấy văn học nước nhà làm nền tảng trong mối quan hệ giao lưu văn hóa nói chung và thơ văn Trung Quốc nói riêng.

Đối với tác giả Thân Nhân Trung, ông đề xuất việc dựng bia để vinh danh những người tài giỏi trong thiên hạ. Tác giả khẳng định việc dựng bia là đúng đắn và hết sức cần thiết, không phải là chuyện chuộng văn chương, ham tiếng hão... Ngoài ý nghĩa tôn vinh tên tuổi của các bậc hiền tài, ghi nhớ công lao của những người có đóng góp to lớn cho đất nước, dân tộc thì mục dích của việc dựng bia là để răn dạy lẽ phải, ngăn ngừa sự tha hoá biến chất của những người có tài, có chức quyển trong thiên hạ. Để những người tài trở thành hiền tài, thành nguyên khí quốc gia thì triều đình cần phải có chinh sách đào tạo và sử dụng hiệu quả, phải có những điểu răn dạy nghiêm khắc trước mắt và lâu dài. Bia đá sẽ là lờii nhắc nhờ hiền tài có ý thức rõ ràng hơn vé trách nhiệm của mình đối với sự hưng vong của đất nước và dân tộc.

Bằng phương pháp lập luận chặt chẽ và từ ngữ rõ ràng, chính xác, bài viết của tác giả Thân Nhân Trung và Hoàng Đức Lương đã để lại cho người đời sau bài học thiết thực về cách nhìn nhận, đánh giá và sử dụng nhân tài cũng như cách bảo vệ, phát triển di sản văn hóa của dân tộc.

Có thể nói,  tác phẩm Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương và “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” của Thân Nhân Trung đã giúp chúng ta cảm nhận được lòng yêu nước thông qua nỗi trăn trở dành cho vận mệnh dân tộc, dành cho những di sản văn hóa đang dần bị mai một. Chắc chắn, lời dạy của các tác giả không chỉ có giá trị trong thời đại trước kia mà còn có ý nghĩa trong thời đại ngày nay.

 

 => Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì tech12h có dàn ý để các bạn dễ viết bài.

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương và Hiền tài là nguyên khí của quốc gia của Thân Nhân Trung

2. Thân bài

- Lòng yêu nước trong các tác phẩm trước hết được thể hiện ở sự lo lắng cho văn hóa, vận mệnh đất nước

  • Sự lo lắng ấy được thể hiện thông qua dụng ý làm ra bộ Trích diễm thi tập đã được Hoàng Đức Lương nói rõ trong bài Tựa của ông.
  • Tác phẩm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” cũng đã thể hiện được sự quan tâm đến rường cột quốc gia của Thân Nhân Trung thông qua câu mở đầu của tác phẩm. 

- Tác giả đã không ngại gian khó để bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Điều thôi thúc Hoàng Đức Lương vượt khó khăn để biên soạn tuyển tập thơ này là:

  • Niềm tự hào văn hiến dân tộc, ý thức trách nhiệm trước di sản bị thất lạc của cha ông, tinh thần độc lập tự chủ và ý thức tự cường trong văn học,
  •  Ý muốn lưu truyền văn hóa cho đời sau nghiên cứu, tìm hiểu, gìn giữ và bảo vệ nền văn hóa.

- Lòng yêu nước của các tác giả được thể hiện ở việc tìm hiểu, đề xuất những hướng đi mới nhằm cải thiện và nâng cao văn hóa, giáo dục cho đất nước.

  • Bài tựa của Hoàng Đức Lương có thể chia làm hai phần rõ ràng, phần đầu tác giả nêu được những nguyên nhân khiến thơ ca không thể lưu truyền rộng rãi. Từ đó, ông đặt ra một vấn đề quan trọng: vấn đề tập hợp, sưu tầm, đánh giá những tác phẩm thơ ca trong quá khứ của cha ông.
  • Đối với tác giả Thân Nhân Trung, ông đề xuất việc dựng bia để vinh danh những người tài giỏi trong thiên hạ. Bia đá sẽ là lời nhắc nhờ hiền tài có ý thức rõ ràng hơn vé trách nhiệm của mình đối với sự hưng vong của đất nước và dân tộc.

- Nghệ thuật trong các tác phẩm

3. Kết bài

Khẳng định nội dung yêu nước của hai tác phẩm và giá trị của nó đối với thời đại ngày nay.

Bài tham khảo thêm

Phân tích nội dung yêu nước trong sáng tác của Nguyễn Trãi qua “Bình Ngô đại cáo” và “Cảnh ngày hè”

Hướng dẫn giải

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Trãi là một nhân vật kiệt xuất. Ông không những là một nhà chính trị, nhà quân sự, tài ba mà còn là một cây bút xuất sắc với nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian: Bình Ngô đại cáo, Dư địa chí, Quân trung từ mệnh tập,... Có thể thấy, dù sáng tác theo thể loại nào thì bao trùm lên tất cả các tác phẩm của ông vẫn là tinh thần yêu nước, thương dân. “Bình Ngô đại cáo” và “Cảnh ngày hè” cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mặc dù nội dung, chủ đề, thể loại hoàn toàn khác nhau nhưng cả hai tác phẩm đều chứa đựng lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc.

Cảm hứng yêu nước là một trong hai nguồn cảm hứng lớn của văn học trung đại Việt Nam, biểu hiện ở các phương diện như: có ý thức tự cường và tự tôn dân tộc, lòng căm thù giặc, có tinh thần quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm; lòng yêu quê hương đất nước tha thiết, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương.

“Bình Ngô đại cáo” được Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết vào khoảng đầu năm 1428, khi cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn đã thắng lợi, quân Minh buộc phải kí hòa ước, rút quân về nước, nước ta bảo toàn được nền độc lập tự chủ, hòa bình.

Ở “Bình Ngô đại cáo”, yêu nước trước hết thể hiện ở lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Mở đầu tác phẩm, tác giả trịnh trọng tuyên bố sự tồn tại song song, bình đẳng của các triều đại của Đại Việt với các triều đại của Đại Hán:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt đời nào cũng có.”

Nền văn hiến Đại Việt, nền  “văn hoá Thăng Long” được hình thành, xây dựng và phát triển qua một quá trình lịch sử  đằng đẵng mây nghìn năm. Đại Việt không chỉ có lãnh thổ chủ quyền  "núi sông bờ cõi ", mà còn có thuần phong mĩ tục mang bản sắc riêng, có lịch sử riêng, chế độ riêng. Nếu như bốn trăm năm về trước, trong  "Nam Quốc sơn hà”, Lý Thường Kiệt chỉ mới xác định được hai nhân tố về lãnh thổ và chủ quyền trên ý thức quốc gia và lập trường dân tộc, thì trong “Bình Ngô đại cáo” , Nguyễn Trãi đã bổ sung thêm bốn nhân tố nữa, đó là: văn hiến, phong tục, lịch sử và nhân tài. Điều đó cho thấy ý thức dân tộc của nhân dân ta đã phát triển trên một tầm cao mới trong thế kỉ 15, đó cũng là tinh anh, tinh hoa của tư tưởng Nguyễn Trãi, phải thật sự là một con người có tâm với nước với dân thì mới có thể viết nên những trang sử hào hùng như vậy.

Trong những ngày đất nước bị xâm lược, tinh thần yêu nước được bộc lộ qua  lòng căm thù giặc sâu sắc. Nguyễn Trãi đã vạch trần những tội ác dã man của giặc Minh đối với nhân dân ta:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

Dối trời, lừa dân, đủ muôn nghìn kế,

Tây binh, kết oán, trải hai mươi năm”

Yêu nước thương dân,Nguyễn Trãi thông cảm và chia sẻ những nỗi khổ đau của nhân dân ta gánh chịu trong chiến tranh. Qua tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” ông đã tố cáo bao tội ác chồng chất của giặc Minh trong suốt một thời gian dài hơn hai mươi năm  "dối trời lừa dân, đủ muôn nghìn kế”.

Đau xót trước cảnh nước mất, nhà tan ông ngày đêm trăn trở lo chuẩn bị cho công cuộc cứu nước. Những dòng sau đây ông viết về Lê Lợi nhưng cũng là diễn tả tâm trạng của mình:

“Đau lòng, nhức óc chốc đà mười mấy năm trời

Nếm mật, nằm gai, há phải một hai sớm tối.

Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh

Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kĩ.”

Cảm hứng yêu nước còn bộc lộ qua giọng điệu tự hào, ngợi ca khi nhắc đến sức mạnh quật cường của dân tộc trong cuộc kháng chiến chông quân Minh. Nguyễn Trãi, bằng những câu văn đầy hình tượng, cuồn cuộn khí thế chiến thắng đã ca ngợi những chiến công oanh liệt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài ba của chủ tướng Lê Lợi:

“Trận Bồ Đằng sấm vang, chớp giật

Miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay ...

Gươm mài đá, đá núi cũng mòn.

Voi uống nước, nước sông phải cạn.

Đánh một trận, sạch không kình ngạc

Đánh hai trận, tan tác chim muông

Cơn gió to trút sạch lá khô

Tổ kiến hỏng sụt toang đê vỡ.”

Tuy gặp khó khăn, thất bại lúc ban đầu nhưng nhờ có tinh thần quyết tâm chiến đấu, “Gắng chí khắc phục giang nan”, được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tướng sĩ trên dưới một lòng, nghĩa quân Lam Sơn càng đánh càng thắngvang dội, không có sức mạnh nào có thể ngăn được. Chỉ trong vòng mười ngày mà nghĩa binh đã làm nên những kì tích anh hùng chưa từng có:

“Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế

Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu

Ngày hăm nhăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong

Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẩn”.

Cái hào khí ngất trời của nghĩa quân được thể hiện qua những hình ảnh, từ ngữ sinh động, cụ thể đầy gợi tả. Chưa bao giờ cái hào khí dân tộc lại dâng cao như lúc này.

Sang “Cảnh ngày hè”, tấm lòng yêu nước của Nguyễn Trãi lại được thể hiện dươi những góc độ khác. Đây là tác phẩm trích từ tập “Quốc âm thi tập”, được sáng tác khi Nguyễn Trãi lui về ở ẩn tại Côn Sơn.

Qua việc miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa hè với màu sắc, âm thanh, ánh sáng và sức sống căng tràn, Nguyễn Trãi đã cho thấy tình yêu say đắm của mình dành thiên nhiên, đất nước.

“Rồi hóng mát thuở ngày trường,

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”

Thiên nhiên dưới nét bút của Nguyễn Trãi vô cùng tươi khỏe, hài hòa và tràn đầy sức sống. Cây hòe với “tán rợp giương”, xanh um, trong khi cây lựu nở đầy những bông hoa “phun thức đỏ” và sen hồng thì “tiễn mùi hương”. Sức sống trong cây đang “đùn đùn” dâng lên cành, lên hoa, lên lá. Với cách miêu tả từ gần đến xa bằng nhiều giác quan, màu sắc sinh động, hài hòa, kết hợp với các động từ mạnh, từ láy, bốn câu thơ đầu đã tái hiện được bức tranh thiên nhiêu mùa hè sinh động, căng tràn nhựa sống, đồng thời thể hiện được tình yêu thiên nhiên của nhà thơ.

Nguyễn Trãi vui với thiên nhiên, với cuộc sống của con người nhưng điểm nổi bật nhất trong bài thơ vẫn là tấm lòng, tình đời của con người mà lòng yêu nước thương dân đã trở thành nỗi trăn trở, niềm ưu ái trong suốt cuộc đời. Khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của con người trong ngày hè đã mở ra trong lòng nhà thơ ước vọng tha thiết:

“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương.”

Ở Nguyễn Trãi, tư tưởng cơ bản nhất, lớn nhất là tư tưởng nhân nghĩa, là tinh thần vì dân. Dù là quan lại triều hay là người ở ẩn, lúc nào Nguyễn Trãi cũng mang nặng tấm lòng ưu ái đối với nhân dân. “Dân giàu đủ”, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc là điều mà Nguyễn Trãi từng canh cánh và mong ước. Hai câu cuối như kết đọng bao suy tư của nhà thơ. Trước cảnh ngày hè tràn ngập sắc màu và âm thanh, Nguyễn Trãi ước muốn có một cây đàn của vua Thuấn để tấu lên khúc nhạc “Nam phong” cầu cho nhân dân giàu đủ khắp muôn nơi. Câu thơ nặng trĩu nỗi day dứt và một tinh thần trách nhiệm cao cả. Ước nguyện của Nguyễn Trãi làm ta liên tưởng đến khát khao của Đỗ Phủ:

“Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,

Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,

Gió mưa chẳng núng, vững như thạch bàn!

Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,

Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!

(Bài ca nhà tranh bị gió thu phá)

Bài thơ này đã làm rõ nỗi niềm tâm sự của Nguyễn Trãi trong thời gian ở Côn Sơn với tấm lòng yêu nước thương dân vẫn ngày đêm “cuồn cuộn nước triều Đông”. Dù sống với cuộc sống thiên nhiên nhưng Nguyễn Trãi vẫn không thôi lo nghĩ đến vận dân, vận nước. Đó chính là nội dung yêu nước được ẩn giấu dưới bức tranh về thiên nhiên, con người trong bài thơ.

Người ta thường nói, văn chương chính là thể hiện nội tâm tác giả. Thơ văn Nguyễn Trãi giúp ta hiểu rõ hơn tấm lòng yêu nước nồng cháy ấy của ông. Qua “Bình Ngô đại cáo” và “Cảnh ngày hè”, ta có thể thấy, dù ở trong hoàn cảnh nào: làm quan hay lui về ở ẩn thì trong lòng Ức Trai vẫn mãi đau đáu những suy tư về vận dân, vận nước. Chính điều ấy đã làm nên một Nguyễn Trãi với cuộc đời và sự nghiệp sống mãi trong lòng bao thế hệ độc giả xưa nay.

=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì tech12h có dàn ý để các bạn dễ viết bài.

Mở bài:

Giới thiệu về tác gia Nguyễn Trãi, tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” và “Cảnh ngày hè”

Thân bài:

- Cảm hứng yêu nước là một trong hai nguồn cảm hứng lớn của văn học trung đại Việt Nam, biểu hiện ở các phương diện sau:

  • Có ý thức tự cường và tự tôn dân tộc
  • Căm thù giặc, có tinh thần quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm
  • Yêu quê hương đất nước tha thiết, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương

 - Bình Ngô Đại Cáo:

  • Yêu nước gắn với thương dân, khát vọng mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
  • Tự hào về nền văn hiến và lịch sử dựng nước lâu đời của dân tộc, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
  • Căm phẫn, lên án tội ác của giặc Minh
  • Ca ngợi nghĩa quân Lam Sơn cùng người anh hùng Lê Lợi với khát vọng đánh đuổi giặc và giành độc lập dân tộc

 - Cảnh ngày hè:

  • Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên đất nước qua việc miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa hè đầy màu sắc, âm thanh, sánh sáng và sức sống căng tràn.
  • Khát vọng mang lại cuộc ống ấm no, giàu đủ cho nhân dân. Yêu nước gắn với thương dân.

Kết bài:

- Giá trị của “Bình Ngô đại cáo” và “Cảnh ngày hè”

- Khẳng định vị trí của Nguyễn Trãi trong nền văn học Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm


Có thể bạn quan tâm