Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Nỗi thương mình

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 7 tháng 2 2020 lúc 15:52:40


Mục lục
* * * * *
Nỗi thương mình

GHI NHỚ

- Truyện Kiều là kiệt tác văn chương của đại thi hào Nguyễn Du. Nỗi thương mình là trích đoạn tiêu biểu thuộc phần 2, gia biến và lưu lạc. Phần truyện kể về 15 năm lưu lạc đầy sóng gió của Thúy Kiều.

- Thương thân xót phận và ý thức cao về nhân cách là chủ đề xuyên suốt đoạn trích. Tác giả đã sử dụng một cách tập trung nghệ thuật đối xứng để làm nổi bật chủ đề đó.

Câu 1: Đoạn trích có thể chia thành 3 phần

- Đoạn 1 (4 câu đầu): Hoàn cảnh sống và tình cảnh trớ trêu của nàng Kiều.

- Đoạn 2 (8 câu tiếp): Tâm trạng cô đơn, chán ngán của Thúy Kiều trước cuộc sống chốn lầu xanh.

- Đoạn 3 (8 câu cuối): Khái quát nỗi niềm, tâm trạng của Thúy Kiều bằng cảnh vật.

Câu 2

- Bút pháp ước lệ được thể hiện trong đoạn trích:

+ Các hình ảnh, từ ngữ: "bướm lả ong lơi", "cuộc say đầy tháng", "trận cười suốt đêm", "dập dìu", "lá gió cành chim": nói về những cuộc vui, buôn hoa bán phấn chốn lầu xanh, triền miên, không phân biệt ngày đêm, không dứt.

+ Các tích xưa (điển tích điển cố) người cũ: "Tống Ngọc", "Trường Khanh" (là những kẻ phong lưu, ăn chơi), "mưa Sở, mây Tần" (nhắc đến những cuộc mây mưa, ái ân trai gái).

=> Trong bối cảnh ấy, Kiều thấy mình là kẻ mang thân phận nhơ nhuốc, không thể hòa nhập, đứng ngoài cuộc vui, chỉ thấy tủi hổ, bẽ bàng. Nguyễn Du rất tinh tế và có tấm lòng nhân đạo sâu sắc khi nhận ra và thấu hiểu nỗi lòng của nàng Kiều. Người con gái ấy đang sống trong cảnh "Êm đềm trướng rủ màn che" thì bỗng bị ném vào dòng đời bạc ác, tất yếu không thoát khỏi những đau đớn, tủi hổ, bẽ bàng.

Câu 3: Các dạng thức đối xứng được sử dụng trong đoạn trích và giá trị của nó

- Tiểu đối trong cấu trúc bốn chữ được dùng khá phổ biến: bướm lả - ong lơi, lá gió - cành chim, dày gió - dạn sương, bướm chán - ong chường, mưa Sở - mây Tần, gió tựa - hoa kề. Phép tiểu đối có tác dụng nhấn mạnh, gây chú ý hơn đến nội dung của cụm từ bốn chữ (kiểu ong bướm lả lơi, dày dạn gió sương, bướm ong chán chường,...)

- Tiểu đối trong phạm vi câu thơ: Cuộc say đầy tháng - Trận cười suốt đêm, Sớm đưa Tống Ngọc - Tối tìm Trường Khanh, Khi tỉnh rượu - Lúc tàn canh,... có tác dụng gia tăng tính chất toàn cảnh của cuộc sống ê chề nơi lầu xanh: đau khổ, chán chường, ngày nối ngày đêm nối đêm, tỉnh rồi say, say rồi tỉnh.

- Đối giữa 2 câu thơ (câu lục và câu bát):

+ Khi sao phong gấm rủ là - Giờ sao tan tác như hoa giữa đường: Đối lập giữa quá khứ và hiện tại.

+ Mặc người mưa Sở mây Tần - Những mình nào có biết xuân là gì: Đối lập giữa người và ta.

=> Đối kiểu này tạo ra khoảng cách giữa người - ta, càng làm tương phản và nỗi thương thân của nhân vật.

- Đối 2 khổ thơ với nhau:

"Đòi phen gió tựa hoa kề

Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".

Đối với:

"Đòi phen nét vẽ câu thơ,

Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.

Vui là vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai".

=> Phép đối bộc lộ sự đối lập giữa người và ta, giữa cảnh vật bên ngoài và thế giới nội tâm của con người.

==> Nghệ thuật đối xứng đã được tác giả khai thác triệt để, sử dụng khéo léo ở nhiều cấp độ khác nhau để tô đậm nỗi thương thân xót phận của nhân vật.

Câu 4: "Nỗi thương mình" của nhân vật có nghĩa nghĩa mới mẻ với văn học trung đại

- Một trong những đặc trưng của văn học trung đại là tính phi ngã (không có cái tôi): con người thường thường giấu, né tránh không nói đến cái tôi, luôn đứng trong cộng đồng, đặt mình trong quốc gia, dân tộc. Nhưng đoạn trích "Nỗi thương mình" đã cất lên tiếng nói của cái tôi, của ý thức cá nhân. Đó là điểm mới mẻ.

- Đặc biệt hơn, thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ thường bị coi rẻ, không được trân trọng. Người phụ nữ chịu mọi ràng buộc và khuôn khổ của lễ giáo phong kiến. Nhưng Nguyễn Du lại phát hiện và bày tỏ niềm trân trọng, cảm thông, thấu hiểu với nỗi khổ của người con gái Thúy Kiều.

- Tác giả để nhân vật tự bộc lộ tâm trạng và nỗi khổ đau của mình.

=> Điểm mới mẻ: con người bứt khỏi quan niệm phi ngã, sự hi sinh, cam chịu để bộc lộ nỗi bất hạnh và tự thương thân mình.

Câu 5: Trong đoạn tái ngộ, Kim Trọng nói với Kiều: "Như nàng lấy hiếu làm trinh / Bụi nào cho đục được mình ấy vay?". Đoạn trích "Nỗi thương mình" có thể phân nào lí giải được ý thơ trên của Kim Trọng

- Kiều đau khổ khi phải bán mình chuộc cha, nàng bẽ bàng khi biết bị Mã Giám Sinh lừa, nàng định tự tử. Mụ Tú đem Kiều giam lỏng ở lầu Ngưng Bích nhưng nàng lại nghe lời Sở Khanh định bỏ chốn. Mắc mưu Tú Bà, từ đó Kiều phải chấp nhận tiếp khách làng chơi. Đoạn trích "Nỗi thương mình" đã khắc họa tâm trạng đau đớn, tủi hổ, bẽ bàng của nàng Kiều khi phải sống giữa chốn lầu xanh nhơ nhớp.

- Nội dung đoạn trích "Nỗi thương mình" đã phần nào lí giải dược ý thơ của Kim Trọng trong phần Đoàn tụ: Kim Trọng hiểu rằng nàng phải hi sinh chữ tình làm tròn chữ hiếu (trao duyên cho em), nhưng nàng dấn thân vào cuộc đời mưa gió cũng đồng nghĩa với việc nàng hi sinh cả chữ trinh (trinh bạch, thân phận), nàng chịu cảnh "Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần" trong suốt 15 năm đoạn trường. Nguyễn Du không hề né tránh hiện thực nghiệt ngã nhưng chính nhờ đoạn trích "Nỗi thương mình" này mà nàng Kiều như được bênh vực, an ủi, được cảm thông và trân trọng.


Được cập nhật: hôm kia lúc 20:06:55 | Lượt xem: 372

Các bài học liên quan