Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 11 tháng 2 2020 lúc 16:45:38


Mục lục
* * * * *
Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học

I. TÌM HIỂU ĐỀ VÀ LẬP DÀN Ý

Đề bài

Đề 1. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cho rằng: “Nhìn chung văn học Việt Nam phong phú, đa dạng; nhưng nếu cần xác định một chủ lưu, một dòng chính, quán thông kim cổ, thì đó là văn học yêu nước” (Dẫn theo Trần Văn Giàu tuyển tập, NXB Giáo dục, 2001)

          Hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) đối với ý kiến trên.

a. Tìm hiểu đề:

- Đối tượng nghị luận: Dòng văn học yêu nước của văn học Việt Nam.

- Nội dung: Trình bày suy nghĩ, nghĩa là giải thích, chứng minh và làm sáng tỏ nhận định.

b. Lập dàn ý:

Mở bài: Giới thiệu ý kiến của Đặng Thai Mai.

Thân bài:

- Văn học Việt Nam rất phong phú và đa dạng.

- Văn học yêu nước là chủ lưu xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam.

- Giải thích nguyên nhân khiến văn học yêu nước trở thành chủ lưu xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam.

Kết bài: Nhận định của anh (chị) về ý kiến của Đặng Thai Mai và giá trị hiện nay của ý kiến đó.

Đề 2. Bàn về đọc sách, nhất là đọc các tác phẩm văn học lớn, người xưa nói: “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài”. (Dẫn theo Lâm Ngữ Đường, Sống đẹp, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Tao đàn, Sài Gòn, 1965)

          Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?

a. Tìm hiểu đề:

- Đối tượng nghị luận: Việc đọc sách.

- Nội dung nghị luận: Giải thích, chứng minh nhận định (nhận định đã đưa ra quan điểm toàn diện và sâu sắc về việc đọc sách.

b. Lập dàn ý:

Mở bài:

- Đọc sách, tiếp nhận các giá trị của sách, đặc biệt là các tác phẩm văn học, luôn gắn liền với điều kiện và năng lực chủ quan của người đọc.

- Dẫn ý kiến của Lâm Ngữ Đường.

Thân bài:

- Giải thích hàm ý của ba hình ảnh so sánh và ý kiến của Lâm Ngữ Đường: Sự khác nhau trong cách đọc và kết quả đọc ở mỗi lứa tuổi.

- Bình luận và chứng minh những khía cạnh đúng đắn trong ý kiến của Lâm Ngữ Đường: Đọc sách tùy thuộc vào tầm lĩnh hội của mỗi người đọc (vốn sống, vốn văn hóa, kinh nghiệm,...)

- Muốn có kết quả tốt trong việc đọc sách, cần trang bị cho mình sự hiểu biết về nhiều mặt. Bên cạnh đó, đọc sách cần suy ngẫm, không vội vàng, cẩu thả.

Kết bài: Nêu bài học chung về đọc sách, đặc biệt là với các tác phẩm văn học.

KIẾN THỨC CẦN NHỚ

Đối tượng nghị luận về một ý kiến bàn về văn học rất đa dạng: về văn học sử, lí luận văn học, tác phẩm văn học,…

Việc nghị luận về một ý kiến bàn về văn học thường tập trung vào giải thích nêu ý nghĩa và tác dụng của ý kiến đó đối với văn học và đời sống

II. LUYỆN TẬP

Bài 1. Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến của Thạch Lam: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Gợi ý:

a. Mở bài: Giới thiệu về nhà văn Thạch Lam và trích dẫn ý kiến của ông về vai trò, tác dụng của văn chương đối với con người và xã hội: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực...

b. Thân bài

* Giải thích:

   - Nói rõ văn chương không để giúp cho con người thoát li, đem đến sự thoát li hay sự quên. Xa rời cuộc sống hiện thực.

   - Khẳng định đó là một vũ khí thanh cao để tố cáo thế giới giả dối và tàn ác, làm cho con người trong sạch và phong phú hơn.

→ Trong tình hình văn học trước Cách mạng tháng Tám 1945, đây là một quan niệm nghệ thuật rất tiến bộ. Đến nay, quan niệm đó vẫn còn nguyên giá trị.

* Bình luận:

   - Ý kiến trên thể hiện niềm tin của nhà văn vào khả năng của văn chương, khả năng tự cải tạo tâm hồn của con người và quan trọng hơn là niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn của cuộc sống.

c. Kết bài

   - Đây là một quan niệm đúng đắn về vai trò và tác dụng của văn chương đối với đời sống xã hội.

   - Quan niệm của Thạch Lam cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bài 2. Bàn về thơ Tố Hữu, nhà phê bình Hoài Thanh viết: “Thái độ toàn tâm toàn ý vì cách mạng là nguyên nhân chính đưa đến sự thành công của thơ anh”.

(Tuyển tập Hoài Thanh, NXB Văn học, Hà Nội, 1982)

          Hãy bày tỏ ý kiến của anh (chị) về nhận xét trên.

Gợi ý

a. Mở bài

   - Giới thiệu ý kiến của nhà phê bình Hoài Thanh: “Thái độ toàn tâm toàn ý vì cách mạng...

   - Nhận định khái quát về ý kiến đó.

b. Thân bài

   - Giới thiệu khái quát những thành công của thơ Tố Hữu.

   - Thái độ toàn tâm toàn ý đối với sự nghiệp cách mạng là nguyên nhân chính dẫn đến sự thành công của thơ Tố Hữu.

   - Ở Tố Hữu, nhiệt tình cách mạng hòa làm một với tâm hồn nhạy cảm và nghệ thuật thơ điêu luyện.

c. Kết bài: Bài học về sáng tác rút ra từ ý kiến của nhà phê bình Hoài Thanh.


Được cập nhật: hôm qua lúc 8:01:09 | Lượt xem: 653

Các bài học liên quan