Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Luyện tập thao tác lập luận so sánh

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 10 tháng 2 2020 lúc 14:38:37


Mục lục
* * * * *
Luyện tập thao tác lập luận so sánh

Câu 1

Tâm trạng của nhân vật trữ tình khi về thăm quê trong hai bài thơ dưới đây:

Khi đi trẻ, lúc về già

Giọng quê vẫn thể, tóc đà khác bao

Trẻ con nhìn lạ không chào

Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?

(Hạ Tri Chương - Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

bản dịch của Phạm Sĩ Vĩ)

Trở lại An Nhơn, tuổi lớn rồi,

Bạn chơi ngày nhỏ chẳng còn ai

Nền nhà nay dựng cơ quan mới

Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người.

(Chế Lan Viên - Trở lại An Nhơn)

- Điểm giống nhau: Cả hai người đều rời quê hương ra đi lúc còn trẻ và trở về lúc tuổi đã cao. Khi trở về, cả hai đều trở thành "người xa lạ" trên chính nơi mình đã sinh ra.

+ Hạ Tri Chương viết: "Hỏi rằng: Khách à chốn nào lại chơi?", vì không còn ai nhận ra mình là người cùng quê cả.

+ Chế Lan Viên viết: Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người, vì quê hương đã biến đổi quá nhiều sau chiến tranh, không còn cảnh cũ, người xưa nữa.

=> Cảm xúc chung: ngậm ngùi, tiếc nuối, man mác buồn.

- Điểm khác nhau:

+ Vì sáng tác ở những giai đoạn văn học khác nhau (Hạ Tri Chương là tác giả văn học trung đại còn Chế Lan Viên là tác giả hiện đại) và mỗi tác giả lại có những cảm nhận, cách diễn đạt, bộc lộ khác nhau. Nên tâm trạng nhớ nhung, xúc động khi về thăm quê của mỗi tác giả lại có sự khác nhau.

+ Hạ Tri Chương: khi trở về quê thì người cùng thời đã đi đâu hết, và dù giọng quê không đổi nhưng trẻ con – thế hệ sau không nhận ra tác giả là người cùng quê nên chào hỏi: “Khách nơi nào tới chơi?”. Tác giả không trách con trẻ nhưng giọng điệu hài hước đã gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn vô hạn khi trở về thăm quê.

+ Chế Lan Viên: cũng trở lại thăm quê sau thời gian dài xa cách và không gian cảnh vật, người xưa chốn cũ đã thay đổi. Tác giả không biết nên bấu víu vào đâu, cảm thấy xa lạ ngay trên chính quê hương của mình.

Câu 2

Học cũng có ích như trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả.    

"Học cũng có ích như trồng cây, mùa xuân được hoa, mùa thu được quả".

          Câu văn trên nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học. Việc học cũng có con đường giống như trồng cây. Cần chăm bón, tưới tắm và có sự tận tâm, chu đáo để có thể thu lại những lợi ích và thành quả xứng đáng.

          Trong câu văn trên, mùa xuân và mùa thu là những hình ảnh ẩn dụ. Mùa xuân, mùa thu ở đây chỉ các giai đoạn khác nhau: Ban đầu là lúc đơm hoa, cùng với thời gian sẽ thu hoạch được nhiều quả ngọt. Chuyện học hành cũng vậy. Cùng với thời gian tích luỹ kiến thức, người học rồi sẽ tiến bộ dần và rồi sẽ thành công. Đây là một câu so sánh để ta thêm kiên nhẫn trên con đường học tập.

Câu 3

So sánh ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương và ngôn ngữ thơ Bà Huyện Thanh Quan qua hai bài thơ Tự tình (bài I)Chiều hôm nhớ nhà.    

* Điểm tương đồng:

   Hai bài thơ có nhiều nét tương đồng: Cùng là thể thơ thất ngôn bát cú, cả hai bài đều gieo vần chặt chẽ và đều tuân thủ nghiêm chỉnh luật đối (câu 3, 4 và câu 5, 6).

* Điểm khác biệt: Hai bài thơ có nhiều điểm khác nhau, nhất là ở cách dùng từ:

- Bài thơ của Hồ Xuân Hương dùng nhiều những từ ngữ trong ngôn ngữ hằng ngày (tiếng gà văng vẳng, mõ thảm, chuông sầu, những tiếng rền rĩ, khắp mọi chòm,...) kể cả những chữ rất khó dùng (cớ sao om, duyên mõm mòm, già tom). Trong bài chỉ có một câu nhiều từ Hán Việt: Tài tử vãn nhân ai đó tá?

- Trong khi đó bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan lại dùng nhiều từ Hán Việt: Hoàng hôn, ngư ông, viễn phố, mục tử, cô thôn, lữ thứ, hàn ôn,... Nhiều từ ngữ mang tính ước lệ, được dùng nhiều trong thơ cổ như ngàn mai, dặm liễu.

=> Sự khác nhau nêu trên tạo ra sự khác nhau về phong cách:

+ Bài thơ của Hồ Xuân Hương có phong cách gần gũi với đám đông, tuy có xót xa nhưng vẫn có những nét tinh nghịch.

+ Bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan mang phong cách đài các, trang nhã. Đó là tiếng nói của văn nhân trí thức thượng lưu.

Câu 4

Tự chọn đề tài để viết đoạn văn so sánh. (Một danh ngôn, thành ngữ hoặc tục ngữ)    

Gợi ý:

"Lời chào cao hơn mâm cỗ"

          Hàm ý câu chào hỏi rất quan trọng, rất tình nghĩa, còn quý hơn cả việc mời nhau đến ăn uống tiệc tùng. "Lời chào cao hơn mâm cỗ" ý muốn nói đến phép lễ nghĩa hơn cái ăn. Sâu hơn là nhân cách của con người cao hơn "vật chất". Mâm cỗ có đầy, có sang trọng mới thể hiện được sự no đủ và hiếu khách của chủ nhà. Lời chào có nồng nhiệt, thân thiện mới chứng tỏ phẩm chất một ngưới có phép tắc, lễ nghĩa với một nền giáo dục tốt, và đậm chất văn hóa của dân tộc. Mâm cỗ là sự no đủ về vật chất, lời chào thể hiện cho sự thân thiện giữa người với người. Lời chào là "phương tiện" tình cảm mang hơi thở của xã hội.

Bài viết tham khảo:

          Học sinh có thể so sánh việc miêu tả hình tượng nhân vật Từ Hải qua ngòi bút của Nguyễn Du trong Truyện Kiều với tác phẩm mà Nguyễn Du dựa vào cốt truyện trong Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc. Bài viết được trích trong Tuyển tập Hoài Thanh, tập I, NXB Văn học, Hà Nội, 1982.

MỘT PHƯƠNG DIỆN CỦA THIÊN TÀI NGUYỄN DU: TỪ HẢI

          Thanh Tâm Tài Nhân nói đến Từ Hải trên bốn mươi trang giấy, Nguyễn Du chỉ nói trong mấy trang, mười phần bỏ đi tám. Tuy thế, trong Nguyễn Du có những điều trong Thanh Tâm Tài Nhân không có. Những điều có thể gợi hình ảnh một vị anh hùng. Từ Hải cùng ở với Kiều năm tháng rồi biệt Kiều mà đi. Thanh Tâm Tài Nhân chỉ nói thế. Nguyễn Du kĩ hơn:

Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.”

Con người này quả không phải là người của một nhà, một họ, một xóm, hay một làng. Con người này là của trời đất, của bốn phương. Một người như thế lúc ra đi ắt cũng không thể đi một cách tầm thường như Thanh Tâm Tài Nhân tưởng. Ta hãy xem Nguyễn Du tả lúc Từ Hải ra đi:

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”.

Về sau, khi Từ Hải đã đắc chí, Kiều nhắc lại chuyện oan khuất ngày trước, Từ Hải của Thanh Tâm Tài Nhân nói: “Có khó gì việc ấy. Để ta điểm năm ngàn quân quét sạch đất Lâm Truy trả thù cho phu nhân”. Nguyễn Du không lấy lại câu nói này nhưng Nguyễn Du tả cái giận của Từ Hải. Nếu ta nghĩ rằng lời thơ của Nguyễn Du thường rất dịu dàng, rất uyển chuyển thường có những câu như:

Dưới dòng nước chảy trong veo

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”.

Hẳn ta phải ngạc nhiên vì câu này tựa hồ như thô lỗ. Nhưng một người phi thường như Từ Hải không thể trong lúc giận dữ ném một cái chén, một cái bát hay đập bàn, đập ghế như cái bọn tầm thường là chúng ta. Từ Hải mà giận dữ hẳn phải kinh khủng như trời đương lặng lẽ bỗng nổi dông tố sấm sét:

Từ công nghe nói thủy chung

Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang”.

Còn có những đoạn Nguyễn Du không thêm, không bớt, chỉ lấy lại ý của Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng Nguyễn Du nói với một giọng thiết tha, hăng hái, lời văn của Nguyễn Du vô cùng hân hoan nên thay đổi cả ý nghĩa câu văn:

Quân trung gươm lớn giáo dài,

Vệ trong thị lập cơ ngoài song phi

Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi

Bác đồng chật đất tinh kì rợp sân”.

Thanh Tâm Tài Nhân đại khái cũng nói thế nhưng Thanh Tâm Tài Nhân không có cái giọng đậm đà và tựa hồ như sung sướng đó.

Một ví dụ nữa: ca tụng uy võ của Từ Hải, Thanh Tâm Tài Nhân viết: “Không quá ba ngày, Từ Hải phá một thôi được năm huyện”. Phá được năm huyện thì còn ra gì! Nguyễn Du chỉ bỏ vài chữ và đổi cách đặt câu:

Đòi cơn gió quét mưa sa,

Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi Nam”.

Vẫn chừng ấy ý mà lời văn mạnh mẽ và khoái chá biết chừng nào! Cả đoạn văn liền đó trong Đoạn trường tân thanh đều mạnh mẽ vô cùng:

Thừa cơ trúc chẻ ngói tan,

Binh uy từ ấy sấm ran trong ngoài

Triều đình riêng một góc trời

Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà”.

Khi Hồ Tôn Hiến sai người đến thuyết hàng, Từ Hải lưỡng lự không muốn hàng, nỗi phân vân của Từ Hải, Thanh Tâm Tài Nhân tả trong ba bốn trang giấy. Nguyễn Du lấy ra ý của Thanh Tâm Tài Nhân thu lại trong có mấy câu mà thực là rắn rỏi, thực là ngang tàng:

Một tay gây dựng cơ đồ,

Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành.

Bó thân về với triều đình,

Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?

Áo xiêm buộc trói lấy nhau,

Vào luôn ra cúi công hầu mà chi?

Sao bằng riêng một biên thùy,

Sức này đã dễ làm gì được nhau!

Chọc trời khuấy nước mặc dầu

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!

Ai có ngờ trong thể lục bát là lối thơ êm êm, buồn buồn lại có những câu hùng tráng như vậy. Nhất là câu:

Sao bằng riêng một biên thùy,

Sức này đã dễ làm gì được nhau!

Nói tóm lại, hoặc bỏ bớt những đoạn vô ích, hoặc thêm vào một hai chi tiết hoặc chỉ lấy lại ý của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã thực hiện được một cách hoàn toàn cái mộng của Thanh Tâm Tài Nhân, cái mộng biến Từ Hải thành một bậc anh hùng xuất chúng.


Được cập nhật: 22 tháng 4 lúc 19:00:38 | Lượt xem: 580

Các bài học liên quan