Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Bài 20 : Nước Đại Việt thời Lê Sơ (1428-1527)

Bài 20: NƯỚC ĐẠI VIỆT THỜI LÊ SƠ

 

I. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ, QUÂN SỰ, LUẬT PHÁP

1. Tổ chức bộ máy chính quyền

- Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, quân Minh bị đuổi ra khỏi bờ cõi nước ta, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, khôi phục lại nước Đại Việt .

- Thời Lê Sơ, chính quyền phong kiến Đại Việt hoàn thiện dần và hoàn chỉnh nhất dưới thời vua Lê Thánh Tông.

-  Ở Trung ương: Vua nắm mọi quyền hành, giúp vua có quan đại thần và 6 bộ (Lại, Hộ, lễ, Binh, Hình, Công ), đứng đầu mỗi bộ có quan Thượng thư , bên cạnh bộ có các cơ quan chuyên môn Hàn Lâm Viện (soạn thảo công văn), Quốc sử viện (viết sử), Ngự sử đài (can gián vua và triều thần).

- Để tập trung quyền lực vào nhà vua, Vua Lê Thánh Tông bỏ chức tướng quốc, đại tổng quản, đại hành khiển; trực tiếp làm tổng chỉ huy quân đội, cấm các quan lập quân đội riêng .

- Ở địa phương: thời vua Lê Thái Tổ và Lê Nhân Tông chia làm 5 đạo, đến thời vua Lê Thánh Tông chia cả nước ra làm 13 đạo thừa tuyên do 3 ty cai quản là Đô ty (quân sự), Hiến ty (xử án), Thừa ty (hành chính); dưới có phủ, châu, huyện, xã

Bộ máy nhà nước thời Lê Sơ
Bộ máy nhà nước thời vua Lê Thánh Tông

 

*Nhận xét: 
- Tổ chức bộ máy nhà nước chặt chẽ và hoàn thiện hơn
- Thể hiện tính quân chủ chuyên chế cao độ

Lược đồ hành chính nước Đại Việt thời Lê sơ (1428-1527)
Lược đồ hành chính nước Đại Việt thời Lê sơ (1428-1527)

 

2.  Tổ chức quân đội

- Quân đội thời Lê sơ được tổ chức theo chính sách "Ngụ binh ư nông".
- Quân đội gồm 2 bộ phận chính: quân ở triều đình và quân ở địa phương.
- Hàng năm, quân lính được luyện tập võ nghệ, chiến trận. Vùng biên giới được canh phòng bảo vệ, không để giặc xâm chiếm.

3. Luật pháp

- Vua Lê Thánh Tông cho ban hành bộ luật Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức)
- Nội dung là bảo vệ quyền lợi của vua, hoàng tộc, bảo vệ quyền lợi của quan lại và giai cấp thống trị, bảo vệ chủ quyền quốc gia, khuyến khích phát triển kinh tế, bảo vệ một số quyền lợi của phụ nữ.

- Trong những nội dung của Luật Hồng Đức thì việc khuyến khích phát triển kinh tế và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ là điểm tiến bộ nổi bật của bộ luật này.

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Kinh tế 

a. Nông nghiệp

- Trong bối cảnh đất nước vừa ra khỏi ách thống trị của nhà Minh, làng xóm tiêu điều, ruộng đồng bỏ hoang, đời sống nhân dân khốn khổ, vua Lê Thái Tổ đã thực hiện nhiều chính sách để phục hồi và phát triển sản xuất:

+ Cho 25 vạn lính về quê làm ruộng, đồng thời kêu gọi nhân dân phiêu tán về quê làm ruộng .

+ Đặt cơ quan chuyên trách nông nghiệp như Khuyến nông sứ, Hà đê sứ, Đồn điền sứ; chia ruộng đất theo phép quân điền.

- Cấm giết trâu bò, cấm điều động dân phu trong mùa gặt, cấy.

=> Nông nghiệp phục hồi và phát triển

b. Công thương nghiệp

- Nghề thủ công truyền thống phát triển như kéo tơ, dệt lụa, làm đồ gốm, rèn sắt, nhiều làng thủ công ra đời . Thăng Long là nơi tập trung nhiều nhất các ngành nghề thủ công .

+ Các làng thủ công chuyên nghiệp nổi tiếng: gốm Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương); đúc đồng ở Đại Bái (Bắc Ninh); rèn sắt  ở Vân Chàng (Nam Định).

Gốm Chu Đậu thời Lê sơ
Gốm Chu Đậu thời Lê sơ

 

Đĩa vẽ hoa sen, gốm nhiều màu, thời Lê sơ thế kỷ 15
Đĩa vẽ hoa sen, gốm nhiều màu, thời Lê sơ

 

+ Các phường thủ công nổi tiếng ở Thăng Long như: dệt vải lụa ở Nghi Tàm; làm giấy ở Yên Thái; phường Hàng Đào nhuộm điều.

- Các công xưởng thủ công nhà nước gọi là Cục bách tác, sản xuất đồ dùng cho nhà vua, vũ khí, đóng thuyền, đúc tiền đồng.

- Buôn bán: nhà vua khuyến khích lập chợ mới, buôn bán với người nước ngoài ở Vân Đồn, Vạn Ninh, Hội Thống, và một số nơi ở Lạng Sơn, Tuyên Quang

=> Với chính sách và biện pháp tích cực của nhà nước, nhân dân cần cù lao động, nền kinh tế phục hồi và phát triển.

2. Xã hội

Thời Lê sơ có các giai cấp chính là :

   + Phong kiến gồm vua, quan lại, địa chủ .

   + Giai cấp nông dân chiếm đại đa số, họ có rất ít hoặc không có ruông đất, phải cày cấy ruộng thuê của địa chủ, quan lại và nộp tô cho chủ ruộng. Họ là giai cấp bị bóc lột, nghèo khổ trong xã hội.

   + Các tầng lớp khác như thương nhân, thợ thủ công, nô tì …, Trong đó, nô tì là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội, nhà nước hạn chế nuôi nô tì, nên số lượng nô tì trong xã hội giảm dần.

III. TÌNH HÌNH VĂN HÓA - GIÁO DỤC

1.  Tình hình Giáo dục và khoa cử

Nhà Lê rất quan tâm đến giáo dục , đào tạo nhân tài thể hiện ở việc:

+ Dựng lại Quốc Tử Giám ở Thăng Long; mở trường các lộ; mọi người đều có thể học và đi thi .

+ Tuyển chọn người có tài, có đạo đức để làm thầy giáo

+ Mở khoa thi để chọn người tài  ra làm quan. Nội dung thi cử là sách của Nho giáo. Người đỗ tiến sĩ trở lên được vua ban mũ, áo, phẩm tước, vinh quy bái tổ, khắc tên vào bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

+ Thời Lê Sơ đã tổ chức được 26 khoa thi tiến sĩ, lấy đỗ 989 tiến sĩ, 20 trạng nguyên.

Bia tiến sĩ ở Văn miếu Quốc tử giám ngày nay
Bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay

 

2. Văn hóa, khoa học, nghệ thuật

a. Văn học

*Văn thơ chữ Hán: phát triển và tiếp tục chiếm ưu thế

  + Nguyễn Trãi có Quân Trung Từ Mệnh Tập; Bình Ngô Đại Cáo

  + Lê Thánh Tông với Quỳnh Uyển cửu ca.

  *Văn thơ chữ Nôm: cũng giữ một vị trí quan trọng

   + Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi.

   + Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông.

b. Khoa học, nghệ thuật

- Sử học: Đại Việt sử kí (10 quyển) của Lê văn Hưu; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, Lam Sơn thực lục của Ngô Sĩ Liên, Hoàng Triều Quan Chế.

- Địa lý: Hồng Đức bản đồ của Lê Thánh Tông; Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, An Nam hình thăng đồ…..

- Y học: Bản thảo thực vật toát yếu của Phan Phu Tiên.

- Toán học: Đại Thành toán pháp của Lương Thế Vinh; Lập thành toán pháp của Vũ Hữu

 

 * HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi đất nước, Lê Lợi đã làm gì ?

Trả lời :

 Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi đất nước, Lê Lợi đã lên ngôi Hoàng đế, khôi phục lại quốc hiệu Đại Việt, tiến hành xây dựng bộ máy nhà nước mới.

2. Vẽ sơ đồ bộ máy nhà nước thời Lê sơ ?

Trả lời :

3. Em có nhận xét gì về tổ chức bộ máy nhà nước thời Lê sơ ?

Trả lời :

- Bộ máy nhà nước được tổ chức hoàn chỉnh, chặt chẽ. Đây là một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền mạnh, mọi quyền hành đều tập trung vào triều đình, đứng đầu là nhà vua

- Giúp việc cho vua có các quan đại thần ở triều đình, có 6 bộ, ngoài ra còn có một số cơ quan chuyên môn

4. Quan sát lược đồ hình 44 (SGK trang 95), lược đồ hành chính nước Đại Việt thời Lê sơ và danh sách 13 đạo thừa tuyên em có thấy có gì khác với nước Đại Việt thời Trần ?

Trả lời :

- Nhìn lược đồ và danh sách 13 đạo thừa tuyên, ta thấy phạm vi lãnh thổ Đại Việt thời Lê sơ được mở rộng hơn so với thời nhà Trần, nhà Lê. Cả nước chia làm 13 đạo thừa tuyên, mỗi đạo có 3 ti (cơ quan) : Đô ti, Thừa ti, Hiến ti. Dưới đạo là phủ, huyện, xã, đều có quan lại, chức dịch trông coi (trong khi thời Trần chia Đại Việt làm 12 bộ). Đây là kết quả của chính sách khai hoang, cải tạo đất, đoàn kết trong lao động, xây dựng đất nước của các thành phần dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam

- Chứng tỏ các đơn vị hành chính thời Lê được hoàn chỉnh và chặt chẽ hơn thời Trần. Có 3 cơ quan phụ trách (3 ti), không tập trung quyền lực vào một viên an phủ sứ như thời nhà Trần, có phân công trách nhiệm.

5. Quân đội thời Lê sơ được tổ chức như thế nào ?

Trả lời :

- Quân đội thời Lê sơ được tổ chức theo chế độ "ngụ binh ư nông" : khi đất nước có ngoại xâm thì tất cả quân lính đều tại ngũ chiến đấu cùng toàn dân; khi hoà bình thì thay phên nhau về làm ruộng

- Quân đội có hai bộ phận chính : quân ở triều đình và quân ở các địa phương; bao gồm bộ binh, thuỷ binh, tượng binh, kị binh. Vũ khí có đao, kiếm, giáo, mác, cung tên, hoả đồng, hoả pháo.

- Hằng năm, quân lính được luyện tập võ nghệ, chiến trận. Vùng biên giới đều có bố trí quân đội mạnh canh phòng và bảo vệ, không để xâm lấn

6. Qua đoạn trích : "Một thước núi...phải tru di" ở trang 96 SGK, em có nhận xét gì về chủ trương của nhà nước Lê sơ đối với lãnh thổ của đất nước ?

Trả lời :

- Quyết tâm củng cố quân đội, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, biên giới lãnh thổ của Tổ quốc

- Đề cao trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc đối với mỗi người dân, trừng trị thích đáng kẻ bán nước

7. Tổ chức quân đội thời Lê sơ có gì giống và khác với thời nhà Trần ?

Trả lời :

* Giống nhau :

- Đều thực hiện chế độ "ngụ binh ư nông"

- Được tổ chức chặt chẽ, luyện tập võ nghệ hàng năm

- Có năng lực chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc

* Khác nhau :

- So với thời Trần không có quân đội của các vương hầu quý tộc

- Vua trực tiệp nắm quyền tổng chỉ huy quân đội

- Quân đội thời Lê sơ có thêm các binh chủng : tượng binh, kị binh

8. Bộ luật Quốc triều hình luật có tên gọi khác là gì ?

Trả lời :

Bộ luật Quốc triều hình luật có tên gọi khác là Luật Hồng Đức

9. Vì sao bộ Quốc triều hình luật còn gọi là Luật Hồng Đức ?

Trả lời :

Bộ Quốc triều hình luật còn gọi là Luật Hồng Đức vì Niên hiệu của vua Lê Thánh Tông là Hồng Đức. Bộ luật này do vua Lê Thánh Tông biên soạn và ban hành

10. Nêu nội dung chính của bộ luật Hồng Đức ?

Trả lời :

Nội dung chính của bộ luật Hồng Đức là :

- Bảo vệ quyền lợi của vua, hoàng tộc

- Bảo vệ quyền lợi của quan lại và giai cấp thống trị, địa chủ phong kiến

- Đặc biệt, bộ luật có những điều luật bảo vệ chủ quyền quốc gia, khuyến khích phát triển kinh tế, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ một số quyền lợi của phụ nữ.

11. Luật Hồng Đức ra đời có ý nghĩa như thế nào ?

Trả lời :

Đây là bộ luật đầy đủ và tiến bộ nhất trong các bộ luật thời phong kiến Việt Nam, thể hiện bước phát triển mạnh mẽ trong lịch sử pháp luật Việt Nam thời phong kiến. Luật pháp thời Lê sơ do đó có tác dụng tích cực góp phần củng cố chế độ phong kiến tập quyền, phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

12. Em hãy cho biết những đóng góp của vua Lê Thánh Tông trong việc xây dựng bộ máy nhà nước và pháp luật ?

Trả lời :

Những đóng góp của vua Lê Thánh Tông trong việc xây dựng bộ máy nhà nước và pháp luật là :

- Xây dựng bộ máy nhà nước ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ từ trung ương đến địa phương

- Về mặt hành chính, từ 5 đạo vua Lê Thánh Tông chia đất nước thành 13 đạo nhằm làm cho đất nước được mở rộng hơn

- Vua Lê Thánh Tông là người soạn thảo và ban hành Quốc triều Hình luật (Luật Hồng Đức). Đây là bộ luật đầy đủ và tiến bộ nhất trong thời phong kiến Việt Nam

13. Để khôi phục và phát triển nông nghiệp, nhà Lê đã thực hiện những biện pháp gì ?

Trả lời :

Để khôi phục và phát triển nông nghiệp, nhà Lê đã thực hiện những biện pháp :

- Cho 25 vạn lính (trong tổng số 35 vạn) về quê làm ruộng, số còn lại thay nhau về quê sản xuất

- Kêu gọi nhân dân phiêu tán trở về quê làm ruộng

- Đặt ra một số chức quan chuyên coi về nông nghiệp

- Thực hiện phép quân điền

- Cấm giết trâu, bò bừa bãi, cấm đều động dân phu trong mùa cấy gặt

- Đắp đê điều ngăn nước mặn

14. Em hãy nhận xét về những biện pháp của nhà nước Lê sơ đối với nông nghiệp?

Trả lời :

- Những biện pháp của nhà nước Lê sơ rất thiết thực và có tác dụng tích cực đối với nông nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển

- Nó thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với sản xuất. Chính vì thế sản xuất nông nghiệp đã nhanh chóng phục hồi và phát triển

15. Tình hình thủ công nghiệp thời Lê sơ như thế nào ?

Trả lời :

- Các ngành, nghề thủ công truyền thống ở các làng xã như kéo tơ, dệt lụa, đan lát, làm nón, đúc đồng, rèn sắt, làm đồ gốm.... ngày càng phát triển. Nhiều làng thủ công chuyên nghiệp nổi tiếng ra đời. Thành Thăng Long là nơi tập trung nhiều ngành nghề thủ công nhất

- Các làng thủ công nổi tiếng bấy giời có làng Hợp Lễ, Chu Đậu (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội) làm đồ gốm; làng Đại Bái (Bắc Ninh) đúc đồng, làng Vân Chàng (Nam Định) rèn sắt,...

- Các phường thủ công ở kinh thành Thăng Long như : Phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa, phường Yên Thái làm giấy, phường Hàng Đào nhuộm điều,,,

- Các công xưởng do nhà nước quản lý gọi là Cục bách tác, sản xuất đồ dùng cho nhà vua, vũ khí, đóng thuyền, đúc tiền đồng,...; các nghề khai mỏ đồng, sắt, vàng được đẩy mạnh

16. Tình hình thương nghiệp thời Lê sơ như thế nào ?

Trả lời :

- Nhà vua khuyến khích lập chợ mới, họp chợ, ban hành những điều lệnh cụ thể quy định việc thành lập chợ và họp chợ.

"Trong dân gian, hễ có dân là có chợ để lưu thông hàng hoá, mở đường giao dịch cho dân. Các xã chưa có chơ có thể lập thêm chợ mới. Những ngày họp chợ mới không được trùng với những ngày họp chợ cũ để tránh tình trạng giành tranh khách hàng của nhau"

- Việc buôn bán với nước ngoài được duy trì. Thuyền bè các nước láng giềng qua lại buôn bán ở một số cửa khẩu như Vân Đồn, Vạn Ninh (Quảng Ninh). Hội Thống (Nghệ An) và một số địa điểm ở Lạng Sơn, Tuyên Quang được kiểm soát chặt chẽ. Các sản phẩm sành, sứ, vải, lụa, lâm sản quý là những thứ hàng được thương nhân nước ngoài ưa chuộng

17. Việc nhà vua thời Lê sơ khuyến khích lập chợ mới, họp chợ nói lên điều gì ?

Trả lời :

Việc nhà vua thời Lê sơ khuyến khích lập chợ mới, họp chợ nói lên : 

- Nhà vua rất quan tâm đến đời sống nhân dân "hễ có dân là có chợ"

- Chứng tỏ kinh tế thời Lê sơn phát triển : Nông nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp, hàng hoá sản xuất ổn định và nâng cao

18. Xã hội thời Lê sơ có những giai cấp, tầng lớp nào? Nêu rõ đời sống của các giai cấp, tầng lớp ?

Trả lời :

- Trong xã hội, giai cấp nông dân chiếm tuyệt đại đa số dân cư, sống chủ yếu ở nông thôn. Họ có rất ít hoặc không có ruộng đất, phải cày cấy nộp tô, thuế, đi phục dịch cho nhà nước (đi lính, đi phu,....) hoặc phải cày cấy ruộng thuê của địa chủ, quan lại và phải nộp một phần hoa lợi (gọi là tô) cho chủ ruộng. Nông dân là giai cấp bị bóc lột, nghèo khổ trong xã hội.

- Tầng lớp thương nhân, thợ thủ công càng đông hơn, họ phải nộp thuế cho nhà nước và không được xã hội phong kiến coi trọng

- Nô tì là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội, bao gồm cả người Việt, người Hoa, dân tộc ít người

19. Em có nhận xét gì về chủ trương hạn chế việc nuôi và mua bán nô tì của nhà nước Lê sơ ?

Trả lời :

- Thể hiện sự tiến bộ của pháp luật thời Lê sơ

- Quan tâm đến đời sống của nhân dân

- Thoả mãn phần nào yêu cầu của nhân dân, giảm bớt sự bất công trong xã hội

20. Nêu những việc làm chứng tỏ nhà nước Lê sơ rất quan tâm đến giáo dục và khoa cử ?

Trả lời :

Những việc làm chứng tỏ nhà nước Lê sơ rất quan tâm đến giáo dục và khoa cử :

- Lê Thái Tổ cho dựng lại Quốc tử giám ở Kinh thành Thăng Long

- Mở trường học ở các lộ

- Đa số dân đều có thể đi học, đi thi

- Ở các đạo, phủ có trường công

- Nhà nước tuyển chọn người giỏi, có đạo đức làm thầy

- Những người đỗ tiến sĩ trở lên được vua ban áo mũ, phẩm tước, được vinh quy bái tổ, được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (bia tiến sĩ)

- Trong thi cử cách lấy người rộng rãi, cách chọn người công bằng

21. Quan sát hình 45 SKG trang 99, em hãy cho biết việc dựng Bia tiến sĩ nói lên điều gì ?

Trả lời :

Những tấm bia Tiến sĩ trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc tử giảm là tài sản quý của quốc gia, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn vinh người hiền tài của đất nước

22. Em có nhận xét gì về tình hình giáo dục, thi cử thời Lê sơ ?

Trả lời :

Tình hình giáo dục, thi cử thời Lê sơ phát triển và đạt nhiều thành tựu rực rỡ với ý thức đề cao vị trí của một dân tộc "vốn xưng nền văn hiến đã lâu". Nhà nước thời Lê sơ sớm quan tâm đến giáo dục, đào tạo nhân tài. Tinh thần đã được nâng lên đỉnh cao dưới thời Lê Thánh Tông. Các khoa thi được tổ chức đều đặn 3 năm một lần ở địa phương cũng như ở kinh đô. Số người đỗ đạt ngày càng nhiều, dân trí được nâng cao

- Số trường học tăng lên. Nho giáo chiếm địa vị độc tôn, các tôn giáo như Phật giáo, Đạo giáo bị hạn chế

23. Nguyên nhân nào làm cho nền giáo dục và khoa cử thời Lê sơ phát triển như vậy ?

Trả lời :

- Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục, đến việc đào tạo nhân tài

- Nhà nước đã chú trọng lấy giáo dục, khoa cử làm phương thức chủ yếu để tuyển dụng quan lại

- Nhà nước có nhiều hình thức khuyến khích, động viên mọi người học tập, thi cử như lập bia khắc tên người đỗ tiến sĩ vào bia đá, những người độ đạt cao đều được bổ dụng làm quan

24. Tình hình văn học thời Lê sơ có gì đáng chú ý ? Nêu một số tác phẩm ?

Trả lời :

- Văn học chữ Hán tiếp tục duy trì

- Văn học chữ Nôm khá phát triển, giữ một vị trí quan trọng

- Về văn thơ chữ Hán : có những tác phẩm nổi tiếng như : " Quân trung từ mệnh tập", "Bình Ngô đại cáo","Quỳnh uyển cửu ca"...

- Về văn thơ chữ Nôm có "Quốc âm thi tập", " Hồng Đức quốc âm thi tập", " Thấp giới cô hồn quốc ngữ văn",...

25. Các tác phẩm văn học thời Lê sơ tập trung phản ánh nội dung gì ? Em hãy nhận xét nó ?

Trả lời :

- Văn học thời Lê sơ phát triển phong phú, văn thơ có nội dung yêu nước sâu sắc, thể hiện niềm tự hào dân tộc, khí phách anh hùng và tinh thần bất khuất của dân tộc

26. Em hãy nêu những thành tựu chủ yếu về văn hoá, giáo dục, khoa học nghệ thuật của Đại Việt thời Lê sơ ?

Trả lời :

* Giáo dục - khoa cử : Rất phát triển

- Thời Lê sơ (1428-1527), tổ chức được 26 khoa thi tiến sĩ, lấy đỗ 989 tiến sĩ, 20 trạng nguyên

- Riêng thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) tổ chức được 12 khoa thi tiến sĩ, lấy đỗ 501 tiến sĩ, 9 trạng nguyên.

* Văn học :

- Văn học chữ Hán có những tác phẩm nổi tiếng như : " Quân trung từ mệnh tập", "Bình Ngô đại cáo","Quỳnh uyển cửu ca"...

- Văn học chữ Nôm có "Quốc âm thi tập", " Hồng Đức quốc âm thi tập", " Thấp giới cô hồn quốc ngữ văn",...

* Khoa học :

- Sử học : Đại Việt sử kí, Đại Việt sử kí toàn thư, Lam Sơn thực lục, Việt giám thông tháo tổng luận,..

- Địa lý : Hồng Đức bản đồ, Dư địa chí, An Nam hình thăng đồ

- Y học : Bản thảo Thực vật toát yếu

- Toán học : Đại thành toán pháp, Lập thành toán pháp

* Nghệ thuật :

- Nghệ thuật sân khấu ca, múa, nhạc, chèo, tuồng

- Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc biểu hiện rõ nét và đặc sắc ở các công trình lăng tẩm, cung điện tại Lam Kinh - Thanh Hoá

27. Vì sao quốc gia Đại Việt lại đạt được những thành tựu nói trên ?

Trả lời :

- Do sự quan tâm của nhà nước, có những chính sách tích cực để khuyến khích, tạo điều kiện cho văn hoá giáo dục phát triển

- Nhờ sự đóng góp của nhiều trí thức, nhân tài (Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông)

- Nhân dân ta có truyền thống thông minh, hiếu học, đã đóng góp xây dựng đất nước

28. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi có điểm gì nổi bật ?

Trả lời :

- Nguyễn Trãi không những là một nhà chính trị, quân sự tài ba, một anh hùng dân tộc mà còn là một danh nhân văn hoá thế giới

- Ông có nhiều tác phẩm có giá trị lớn về văn học, lịch sử, địa lí như : Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Chí Linh sơn phú, Quốc âm thi tập, Dư địa chí,...

29. Nét đặc sắc trong tư tưởng của Nguyễn Trãi là gì ?

Trả lời :

Cả cuộc đời của Nguyễn Trãi, khi đánh giặc cũng như xây dựng đất nước hoặc sáng tác thơ văn, ông luôn nêu cao lòng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân. Ông thường suy nghĩ và mong muốn "ăn lộc đền ơn kẻ cày", "Nơi thôn cùng, xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu"

30. Em hãy nên lên những đóng góp của Nguyễn Trãi qua nhận xét sau đây của vua Lê Thánh Tông : "Ức trai đương lúc Thái Tổ mới sáng nghiệp theo về Lỗi Giang. Trong thì bàn kế hoạch ở nơi màn trướng, ngoài thì thảo văn thư dụ hàng các thành. Văn chương tiên sinh làm vẻ vang cho nước, lại được vua tin quý trọng"?

Trả lời :

Những đóng góp của Nguyễn Trãi :

- Là người tham mưu, vạch ra những kế sách lâu dài cho cuộc khởi nghĩa

- Là anh hùng dân tộc, là bậc mưu lược tài ba trong khởi nghĩa Lam Sơn

- Ông không chỉ là nhà tư tưởng lớn mà còn là một nhà văn tài lỗi lạc để lại nhiều tác phẩm có giá trị, ông là tinh hoa của thời đại lúc bấy giờ, tên tuổi của ông rạng rỡ trong lịch sử dân tộc.

31. Nêu những hiểu biết của em về vua Lê Thánh Tông ?

Trả lời :

Lê Thánh Tông huý là Tư Thành, sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (25-8-1442), con thứ tư của Lê Thánh Tông và mẹ là thì Ngô Thị Ngọc Giao. Năm 1445, ông được phong là Bình Nguyên Vương; năm 1460, được lên ngôi vua khi 18 tuổi

32. Lê Thánh Tông có những đóng góp gì trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá của đất nước?

Trả lời :

- Ông đã thực hiện những chính sách tích cực để đưa nền kinh tế nông nghiệp, công thương nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển

- Phát triển giáo dục và văn hoá (tổ chức nhiều khoa thi để tuyển dụng nhân tài một cách công bằng

33. Em hãy nên những đóng góp của Lê Thánh Tông trong lĩnh vực văn học ?

Trả lời :

- Cuối thế kỉ XV, ông sáng lập ra Hội Tao đàn và làm chủ soái. Hội Tao đàn ra đời đánh dấu bước phát triển cao về văn chương đương thời

- Thơ của ông chứa đựng tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc sâu sắc. Ông sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị như : Quỳnh uyển cửu ca, Châu cơ thắng thưởng, Chinh tây kỉ hành, Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ suy, Cổ tâm bách vịnh,.... tất cả khoảng trên 300 bài (bằng chữ Hán), Hồng Đức quốc âm thi tập (bằng chữ Nôm)

34. Trình bày những hiểu biết của em về Ngô Sĩ Liên ?

Trả lời :

- Ông là nhà sử học nổi tiếng của nước ta ở thế kỉ XV. Ông đỗ tiến sĩ năm 1442, từng được đảm nhận chức vụ Hàn lâm viện, Phó đô ngự sử, Sử quán tu soạn

- Ông là một trong những tác giả bộ "Đại Việt sử kí toàn thư" (15 quyển) biên chép một cách có hệ thống lịch sử thời Hồng Bàng đến năm 1427

35. Em hãy giới thiệu vài nét về Lương Thế Vinh ?

Trả lời :

- Ông đỗ Trạng nguyên năm 1463, nổi tiếng thần đồng, học rộng, tài trí, khoáng đạt, bình dị, được vua và dân coi trọng. Ông còn là nhà toán học nổi tiếng của nước ta thời Lê sơ. Ông có công trình Đại thành toán pháp, Thiên môn giáo khoa (nghiên cứu về Phật học)

- Ông được người đời ca ngợi là nhân vật "tài hoa, danh vọng bậc nhất"; đến nay còn gọi là "Trạng Lường"

 

Bài tập

Có thể bạn quan tâm



Có thể bạn quan tâm