Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Kiểm tra cuối học kì I

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 12 tháng 2 2020 lúc 10:43:08


Mục lục
* * * * *

PHẦN TRẮC NGHIỆM (3 điểm)

1. Đặc điểm nào sau đây không phải là đặc điểm của văn học giai đoạn 1945 – 1975?

A. Nền văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước.

B. Nền văn học luôn hướng về đại chúng.

C. Nền văn học có nhịp độ phát triển hết sức mau lẹ.

D. Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

2. Nhận định nào dưới đây khái quát đúng và đầy đủ giá trị bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

A. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá, một áng văn chính luận mẫu mực.

B. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá, một bản án chế độ thực dân Pháp.

C. Tuyên ngôn Độc lập là một mẫu mực về nghệ thuật lập luận, một bản án chế độ thực dân Pháp.

D. Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận xuất sắc, một mẫu mực về nghệ thuật lập luận.

3. Chủ đề bài Tây Tiến của Quang Dũng là gì?

A. Cảm hứng lãng mạn và bi tráng về người lính Tây Tiến.

B. Cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội mà mĩ lệ.

C. Cuộc chiến đấu đầy cam go, gian khổ và vô cùng anh dũng của các chiến sĩ Tây Tiến.

D. Tình yêu thiên nhiên, quan hệ gắn bó giữa người lính Tây Tiến với nhân dân.

4. Chủ đề bài Việt Bắc của Tố Hữu là gì?

A. Thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp của núi rừng Việt Bắc.

B. Khúc ca về cách mạng và con người kháng chiến.

C. Khúc hùng ca và tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến.

D. Tình cảm gắn bó keo sơn giữa các chiến sĩ cách mạng với đồng bào Việt Bắc, giữa quần chúng với lãnh tụ.

5. “Hồ Chí Minh coi văn chương trước hết là vũ khí chiến đấu, là một hành vi chính trị, xã hội, có đối tượng và mục đích rõ ràng. Khi viết, nhà văn phải tự đặt câu hỏi viết về ai, viết để làm gì, sau đó mới quyết định viết cái gì và viết như thế nào”.

Đoạn văn trên đây nói về […] của Hồ Chí Minh.

Chọn cụm từ phù hợp nhất dưới đây điền vào chỗ trống trong câu in nghiêng trên.

A. Mục đích sáng tác.

B. Quan điểm sáng tác.

C. Phương pháp sáng tác.

D. Nội dung sáng tác.

6. Nhận định dưới đây nói về nhà thơ nào?

          “Các chặng đường thơ của ông luôn gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng của dân tộc. Những tư tưởng, tình cảm lớn của con người, những vấn đề lớn lao của đời sống đã được ông thể hiện qua giọng thơ mang tính chất tâm tình rất tự nhiên, đằm thắm, chân thành”.

A. Hồ Chí Minh

B. Tố Hữu

C. Nguyễn Đình Thi

D. Chế Lan Viên

7. Đọc đoạn văn sau và cho biết trường hợp nào chỉ bao gồm các thuật ngữ khoa học?

          “Nói một cách tổng quát, ngữ nghĩa học hiện đại nghiên cứu không chỉ những ý nghĩa hiển ngôn mà cả những ý nghĩa hàm ẩn, nghiên cứu ý nghĩa không chỉ của các đơn vị có đoạn tính, mà cả các yếu tố không có đoạn tính, nghiên cứu ý nghĩa không chỉ của các đơn vị lập thành hệ thống mà cả của các hành vi sử dụng chúng, của những quan hệ giữa các đơn vị hệ thống với hoàn cảnh giao tiếp”.

(Đỗ Hữu Châu, Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng)

A. Tổng quát, ngữ nghĩa học, hiện đại, hiển ngôn, hàm ẩn, đơn vị đoạn tính, ý nghĩa, hoàn cảnh giao tiếp.

B. Ngữ nghĩa học, hiển ngôn, hàm ẩn, đơn vị có đoạn tính, yếu tố không có đoạn tính, đơn vị hệ thống, hoàn cảnh giao tiếp.

C. Ngữ nghĩa học, nghiên cứu, ý nghĩa, hệ thống, đơn vị, quan hệ, sử dụng, hoàn cảnh giao tiếp.

D. Tổng quát, hiện đại, nghiên cứu, hệ thống, hiển ngôn, hàm ngôn, hoàn cảnh giao tiếp.

8. Đặc điểm nào sau đây không phải là đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học?

A. Tính khái quát, trừu tượng

B. Tính truyền cảm, thuyết phục

C. Tính lí trí, lôgic

D. Tính khách quan, phi cá thể

9. Khổ thơ sau đây không sử dụng phép tu từ ngữ âm nào?

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

A. Thay đổi nhịp điệu các dòng thơ

B. Phối ứng thanh điệu

C. Điệp khúc

D. Điệp phụ âm đầu và vần

10. Đề tài nào sau đây không thuộc đối tượng nghị luận ở Trung học phổ thông?

A. Một hiện tượng đời sống

B. Một phát minh, một công trình khoa học

C. Một tư tưởng đạo lí

D. Một ý kiến bàn về văn học

11. Nêu những thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn văn sau:

          “Tiếng suối trong như tiếng hát xa…” Nguyễn Du, Bạch Cư Dị so sánh tiếng đàn với tiếng suối. Thế Lữ lại so sánh tiếng hát trong với nước ngọc tuyền. Những người này không miêu tả trực tiếp tiếng suối. Chỉ có Nguyễn Trãi cho tiếng suối là tiếng đàn cầm. Có lẽ đó là hình ảnh gần nhất với hình ảnh trong câu thơ này. Có thể chẳng phải ngẫu nhiên. Nguyễn Trãi sành âm nhạc. Bác Hồ cũng thích âm nhạc. Tiếng hát của một danh ca Pháp từng thích nghe thời trẻ, đến tuổi bảy mươi Bác còn nhờ chị Ma-đơ-len Ríp-phô tìm lại hộ. Tiếng suối ngàn của đất nước hay đó là tiếng hát của trái tim của người nghệ sĩ yêu đời?”

(Theo Lê Trí Viễn, trong Làm văn 12, NXB Giáo dục, 2000)

A. Bác bỏ và bình luận

B. Phân tích và bác bỏ

C. So sánh kết hợp với phân tích và bác bỏ.

D. So sánh kết hợp với bình luận.

12. Lập luận dưới đây mắc lỗi nào?

          Sách […] thật là vừa hay lại vừa lành: hay vì nó không đến nỗi vô vị vô duyên, lành vì nó không có ảnh hưởng xấu đến tinh thần người đọc.

A. Không đủ lí do

B. Mâu thuẫn

C. Không nhất quán

D. Không có luận cứ

PHẦN TỰ LUẬN (7 điểm) Anh (chị) chọn một trong hai đề sau:

Đề 1.

1. Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác bài Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tích Hồ Chí Minh (2 điểm)

2. Phân tích nghệ thuật lập luận trong tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh (5 điểm)

Đề 2.

1. Giới thiệu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (2 điểm)

2. Đồng cảm và sẻ chia trong xã hội ta ngày nay (5 điểm)

GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN TRẮC NGHIỆM

1. C

4. C

7. B

10. B

2. A

5. B

8. B

11. D

3. C

6. B

9. A

12. C

PHẦN TỰ LUẬN

Đề 1

1. Hoàn cảnh ra đời Tuyên ngôn độc lập:

- Ngày 19/8/1945 chính quyền ở Hà Nội về tay nhân dân.

- 26/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, người soạn thảo Tuyên ngôn độc lập tại số 48 phố Hàng Ngang.

- 2/9 Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

2. Nghệ thuật lập luận trong Tuyên ngôn độc lập:

a. Cơ sở pháp lí: quyền bình đẳng, quyền hạnh phúc, tự do của con người, dân tộc.

- Trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp (Người ta sinh ra tự do, bình đẳng về quyền lợi… luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi).

- Khẳng định niềm tự hào khi đặt ba bản tuyên ngôn cạnh nhau.

- Người suy luận trực tiếp “suy rộng ra” để khẳng định quyền độc lập, tự do của nước ta.

b. Cơ sở thực tiễn: bản án chung thẩm kết tội chủ nghĩa thực dân Pháp, khẳng định vài trò chính trị của nhân dân Việt Nam và mặt trận Việt Minh.

- Đập tan luận điệu “khai hóa”, “bảo hộ” của thực dân Pháp.

- Người chỉ ra các phương diện về chính trị, kinh tế xóa tan luận điệu khai hóa Việt Nam

    + “Khai hóa tự do” >< “lập ra nhà tù nhiều hơn trường học”.

    + Khai hóa bình đẳng >< lập ra ba hế độ khác nhau ở Bắc, Trung, Nam ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, ngăn cản dân ta đoàn kết.

    + Khai hóa bác ái >< thi hành luật pháp dã man.

- Bác bỏ luận điệu bảo hộ:

    + 1940 Pháp quỳ gối hàng, mở cửa nước ta rước Nhật.

    + Trong 5 năm Pháp bán nước ta hai lần cho Nhật.

    + Chúng thẳng tay khủng bố Việt Minh.

c. Tuyên bố độc lập: khẳng định nền độc lập tự do, quyết tâm bảo vệ đất nước.

- Khẳng định nước Việt Nam có quyền, sự thật đã trở thành một nước độc lập.

- Toàn thể dân tộc quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạn, của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

Đề 2

1. Giới thiệu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

-  Tây Tiến được Quang Dũng sáng tác khi rời xa đơn vị cũ - Phù Lưu Chanh năm 1948.

-  Bài thơ là sự hồi tưởng của Quang Dũng về đoàn quân Tây Tiến, về cảnh vật và con người Tây Bắc trong khoảng thời gian gian khổ mà oai hùng. Tất cả đều được thể hiện qua một tâm hồn lãng mạn, nặng tình yêu quê hương, đất nước và bằng một bút pháp tài hoa, độc đáo.

- Tác phẩm là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, in trong tập Mây đầu ô.

- Bài thơ gồm bốn phần, với nội dung:

+ Khung cảnh chiến trường Tây Bắc qua trang thơ Quang Dũng vừa hùng vĩ dữ dội lại vừa mộng mơ, trữ tình. Bên cạnh núi rừng hiểm trở với độ cao rợn người là một mái nhà thấp thoáng ẩn hiện trong mưa lưng chừng núi, bên cạnh vùng đất hoang dại chưa đầy bí mật ghê gớm của rừng thiêng với thác gầm thét, với cọp trêu người là một bản làng có cơm lên khói, có mùi thơm nếp xôi và những cô gái xinh đẹp.

+ Tây Bắc duyên dáng mĩ lệ hiện lên qua thơ Quang Dũng thật tươi mát và thơ mộng với những đêm liên hoan văn nghệ rực rỡ với đồng bào nơi đây.

+ Trên nền thiên nhiên hùng vĩ thơ mộng, người lính Tây Tiến hiện ra mang vẻ đẹp lẫm liệt hào hùng và sang trọng. Sang trọng ở tư thế coi cái chết nhẹ như lông hồng, ở những giấc mơ lãng mạn của người thanh niên Hà Nội, vẻ đẹp bi tráng của người lính cả khi sống và khi đã hi sinh.

+ Bài thơ kết thúc với lời thề son sắt của người lính Tây Tiến quyết chiến đấu cùng đồng đội, sống trong đồng đội: “Hồn về sầm Nưa chẳng về xuôi".

- Đặc sắc nghệ thuật:

+ Cảm hứng lãng mạn, ngòi bút tài hoa.

+ Ngôn ngữ, hình ảnh sáng tạo, linh hoạt.

2. Đồng cảm và sẻ chia trong xã hội ngày nay.

a. Mở bài:

- Giới thiệu về vấn đề “đồng cảm và chia sẻ” trong xã hội ngày nay.

- Trình bày khái quát suy nghĩ của bản thân.

b. Thân bài:

* Giải thích sự đồng cảm và sẻ chia:

+ Đồng cảm là sự cảm thông, rung cảm trước mọi việc, một người nào đó trong cuộc sống.

+ Sẻ chia là hành động quan tâm, san sẻ vật chất và tinh thần giữa người với người.

* Bàn luận vấn đề:

- Trong cuộc sống không thể thiếu đi tình thương yêu, sự quan tâm giữa người với người.

+ Khi gặp người bị nạn, người sống cô đơn không nơi nương tựa, chúng ta sẽ giúp đỡ, an ủi, động viên.

+ Khi một người bạn, người thân có chuyện buồn... ta đã làm gì?

Ví dụ: Các cuộc động viên ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, cái Tết vì người nghèo, nối vòng tay lớn, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiệt hại do cơn bão...

- Chia sẻ, đồng cảm chính là động lực hướng con người tới những điều tốt đẹp. Nó có vai trò quan trọng trong xã hội ngày nay, là cơ sở để đất nước phát triển vững mạnh.

-   Đồng cảm, sẻ chia sẽ làm cho chính bản thân mỗi người cảm thấy thanh thản, hạnh phúc.

=> Có thể khẳng định: đồng cảm, sẻ chia luôn luôn tồn tại, hiện hữu xung quanh cuộc sống con người.

* Mở rộng vấn đề, liên hệ bản thân

- Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những kẻ sống ích kỉ, chỉ luôn lo nghĩ cho lợi ích cá nhân. Những người như vậy sẽ bị bạn bè và xã hội xa lánh, phải sống một cuộc đời cô độc.

- Liên hệ bản thân: Em đã đồng cảm, chia sẻ với mọi người thế nào? Những hành động như vậy mang lại cho em những gì?

c. Kết bài: Đồng cảm, sẻ chia là biểu hiện của lòng tốt, phù hợp với truyền thống nhân đạo của dân tộc. Chúng ta cần phải tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống đạo lí tốt đẹp này của dân tộc.


Được cập nhật: hôm qua lúc 19:47:26 | Lượt xem: 418

Các bài học liên quan