Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Hạnh phúc của một tang gia

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 10 tháng 2 2020 lúc 14:45:11


Mục lục
* * * * *
Hạnh phúc của một tang gia

GHI NHỚ

- Vũ Trọng Phụng là cây bút hiện thực trào phúng xuất sắc của văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945.

- Bằng nghệ thuật trào phúng sắc bén, qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, Vũ Trọng Phụng đã phê phán mạnh mẽ bản chất giả dối và sự lố lăng, đồi bại của xã hội “thượng lưu” ở thành thị những năm trước Cách mạng.

Câu 1

Hạnh phúc của một tang gia là một phần của nhan đề chương XV tiểu thuyết Số đỏ do chính Vũ Trọng Phụng đặt. Điểm đặc biệt của cách đặt nhan đề và xây dựng tình huống trào phúng trong đoạn trích:

- Cách đặt tên nhan đề rất lạ, gây cảm giác tò mò, chú ý cho người đọc và cũng thể hiện một nghịch lí nực cười: trong tang gia mà lại có hạnh phúc.

- Mâu thuẫn trào phúng cơ bản nằm ngay trong nhan đề. Đám con cháu vô cùng hạnh phúc trước cái chết của cụ Tổ vì họ đã phải chờ đợi quá lâu. Cụ cố Tổ mất đi đối với con cháu này lại là một niềm sung sướng vì chúng sẽ được hưởng gia tài.

- Trong đoạn trích này, tác giả cũng dựng nên bối cảnh của một tang gia bối rối; chẳng những bối rối mà còn rất lo lắng và bận rộn. Nhưng nghịch lí lại tiếp tục được bộc lộ khi lo lắng, bận rộn không phải cho một đám ma mà là lo tổ chức cho chu đáo, linh đình một ngày vui, một đám hội. Như vậy, cách đặt tiêu đề vừa gây chú ý cho người đọc, vừa phản ánh đúng một sự thật mỉa mai, hài hước và tàn nhẫn.

Câu 2

* Cái chết của cụ cố tổ lại là niềm hạnh phúc của mọi thành viên trong gia đình cụ vì nó đồng nghĩa với việc tờ di chúc của cụ đã tới lúc được thực thi, con cháu sẽ được hưởng gia tài.

* Phân tích những niềm hạnh phúc khác nhau của mỗi người trong đại gia đình cụ cố Hồng và những người đến đưa đám ma do cái chết của cụ cố tổ đem lại.

- Cụ cố Hồng:

   + Tuy 50 tuổi nhưng lâu nay chỉ mơ ước được gọi là cụ cố.

   + Dịp may đã tới, cụ nhắm nghiền mắt nghĩ đến lúc được mặc áo xô gai.

   + Lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu máo diễn trò già nua, ốm yếu giữa phố đông người để cho thiên hạ phải trầm trồ

=> Nhân vật này điển hình cho loại người ngu dốt, háo danh.

- Văn Minh - nhà cải cách y phục Âu hóa "phân vân", "đăm đăm chiêu chiêu", "vò đầu rứt tóc" nhưng không phải vì cái chết của cụ cố tổ mà là làm thế nào để cái chúc thư kia sớm đi vào thời kì thực hành và xử trí với Xuân Tóc Đỏ ra sao khi hắn có "2 cái tội nhỏ" nhưng "1 cái ơn to".

=> Đây là cơ hội để ông quảng cáo hàng, để kiếm tiền.

- Bà Văn Minh được mặc đồ xô gai tân thời và được dịp lăng-xê những mốt y phục táo bạo nhất.

- Cô Tuyết được dịp "mặc bộ y phục ngây thơ, xinh xinh" đồng thời "trên mặt lại hơi có một vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám".

- Ông Phán mọc sừng cũng thật sự sung sướng vì không ngờ rằng cái sừng trên đầu mình lại có giá trị đến thế và ông tin chắc rằng mình sẽ được trả công xứng đáng.

- Xuân Tóc Đỏ thì danh giá và uy tín càng cao vì chính nhờ hắn mà cụ cố tổ chết

- "Niềm hạnh phúc" còn lây ra cả những người ngoài tang quyến:

+ Hai viên cảnh sát Min Đơ và Min Toa đang lúc thất nghiệp thì được thuê giữ trật tự cho đám tang, đã "sung sướng cực điểm".

+ Xã hội trưởng giả bè bạn cụ cố Hồng được dịp khoe các thứ huy chương, phẩm hàm.

+ Sư cụ Tăng Phú thì "sung sướng mà vênh váo" vì tin chắc rằng trong số thiên hạ đứng xem ở các phố thế nào cũng có người nhận ra rằng "sư cụ đã đánh đổ được Hội Phật giáo".

=> Chi tiết hài hước: Ông sư này không đến làm lễ mà để thiên hạ nhận ra mình với thành tích: đánh đổ Hội Phật giáo.

=> Mỗi người đều có những niềm hạnh phúc riêng, nhưng bọn chúng chỉ hành động như những kẻ bất hiếu. Qua đây phê phán những kẻ lố lăng đồi bại và có những hành động không có nhân tính và toàn những kẻ bất hiếu.

Câu 3

Phân tích cảnh "đám ma gương mẫu".

- Toàn cảnh đám tang khiến cho người đọc hình dung được sự nhốn nháo, pha tạp Tây Tàu của đám tang. Nó làm lộ rõ vẻ học đòi vô học và rởm đời của tang chủ:

+ Đủ cả kèn ta, kèn tây, kèn tàu.

+ Hàng trăm câu đối, vòng hoa, bức trướng.

- Khi miêu tả cận cảnh, tác giả chú ý đến những hành động, những lời bàn tán thầm thì của những người đi đưa đám. Những câu chuyện chẳng liên quan gì đến người chết.

- Nhà văn đã lặp lại điệp húc “Đám cứ đi…”. Điệp khúc này có ý nghĩa châm biếm, hài hước. Một đám ma hỗn độn và hài hước, pha tạp đủ thứ, học đòi đủ kiểu để khoe khoang. Xe chở người chết cứ đi, người đưa cứ chim chuột nhau, con cháu cứ hưởng thụ niềm hạnh phúc sung sướng của mình. Mỗi người một tâm lí, một mục đích khác nhau, hội tụ lại để thực hiện “nghĩa tử là nghĩa tận” với người chết. Điểm nổi bật nhất và chung nhất của đám người này là sự giả dối, thói đạo đức giả.

Câu 4

Từ niềm "hạnh phúc" của các nhân vật do cái chết của cụ cố tổ đem lại và cảnh tượng của cái đám tang gương mẫu, anh chị nhận xét như thế nào về xã hội thượng lưu thành thị đương thời? Thái độ của nhà văn với xã hội này ra sao?

- Một xã hội suy tàn với những chế độ thối nát, tác giả đã miêu tả đầy đủ những hình ảnh đó để thể hiện những hình ảnh chi tiết trong đoạn văn, hình ảnh này biểu tượng cho một điều đó là đồng tiền làm mờ mắt con người họ chỉ biết đến tiền mà không biết đến tình người.

Câu 5

Nhận xét gì về nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng ở đoạn trích này:

- Từ một tình huống trào phúng cơ bản – Hạnh phúc của một tang gia được tác giả triển khai mâu thuẫn theo nhiều tình huống khác nhau, tạo nên một màn hài kịch lớn, phong phú và biến hóa khôn lường gây nhiều thú vị cho người đọc. Một trong những thủ pháp quen thuộc được tác giả sử dụng là phát hiện những chi tiết đối lập gay gắt nhưng cùng tồn tại trong một sự vật, một con người để từ đó làm bật lên tiếng cười châm biếm.

- Ngoài ra, tác giả còn sử dụng nhiều thủ pháp cường điệu: nói ngược, nói mỉa mai… sử dụng đan xen linh hoạt trong đoạn trích và đều mang lại hiệu quả nhất định. Chẳng hạn, cái chết của cụ tổ khiến mọi người trong cái đại gia đình bất hiếu không ai giống ai. Đặc biệt, đám rước đưa ma được tổ chức nhố nhăng, lố bịch và nó trở thành cơ hội tốt để mọi người gặp gỡ, giao lưu, phô trương thanh thế và cười cợt, nói xấu, nói mỉa nhau...

- Tác giả còn có con mắt tinh đời để nhìn thấy và miêu tả đúng cái nét riêng của từng nhân vật xuất hiện trong đoạn trích. Ngòi bút miêu tả của Vũ Trọng Phụng linh hoạt, biến hóa, giàu yếu tố hài hước gây cười và sắc sảo tinh tế đến từng chi tiết nhỏ. Vũ Trọng Phụng xứng đáng là một bậc thầy – một nhà văn hiện thực xuất sắc trong việc sử dụng nghệ thuật trào phúng.

LUYỆN TẬP

Câu hỏi: Hãy chỉ ra những mâu thuẫn và những chân dung trào phúng củ đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia.

* Những mâu thuẫn trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia:

- Mâu thuẫn được thể hiện ngay ở nhan đề:

+ “Tang gia” mà lại “hạnh phúc”.

+ Cả gia quyến, những người ngoài tang quyến đề dửng dưng, không mảy may đau xót trước cái chết của cụ cố Tổ.

- Mâu thuẫn được thể hiện trong những toan tính và suy nghĩ của mỗi nhân vật: bề ngoài có vẻ đau xót hoặc cố tỏ ra đau xót, thương tiếc nhưng thực chất là để che đậy những toan tính, thủ đoạn và mục đích riêng. Cả gia đình ai nấy đều cảm thấy sung sướng vì cái di chúc của cụ cố Hồng sẽ đi vào thực hành chứ không còn là lí thuyết nữa.

* Chân dung trào phúng:

- Cụ cố Hồng ngồi khóc lóc và chống gậy đi lại, ho lụ khụ để thiên hạ nhìn vào phải thốt lên: “Úi chao! Con trai lớn của cụ cố Tổ đã già thế kia kìa!” và 1872 lần gắt đáp lại người khác: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.

- Ông Văn Minh: đau đầu vì không biết phải cư xử sao với Xuân Tóc đỏ bởi hắn có “hai cái tội nhỏ”, “một cái ơn to”. Tội nhỏ là tội quyến rũ em gái ông, lại tố cáo tội trạng hoang dâm của một em gái khác của ông. Ơn to là tình cờ gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết.

- Bà Văn Minh thì nóng lòng chờ giờ phát quang để được lăng xê mẫu tang phục mới nhất của tiệm may Âu Hóa với mục đích “Ban cho những ai có tang đương đau đớn vì kẻ chết kia cũng được hưởng một chút hạnh phúc ở đời”.

- Cô Tuyết đau khổ đến mức tưởng có thể tự tử được vì không thấy “bạn giai” đâu cả, thấy như bị kim châm vào lòng nên có khuôn mặt với vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám. Cô lại diện cả bộ y phục Ngây thơ hở cả nách và nửa vú để thiên hạ khỏi đồn mình hư hỏng, rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh.

- Ông Phán được xem là người chồng mọc sừng, nhờ ơn Xuân Tóc đỏ mà ông được nhận thêm được một khoản di chúc là mấy nghìn đồng nên ông quyết định sẽ trả công cho Xuân Tóc đỏ. Trong khi người nhà mất mà đầu hắn chỉ nghĩ đến khoản gia tài kếch xù, nhẩm tính công cuộc doanh thương mà trước khi buôn bán cũng phải biết giữ chữ tín làm đầu. Trong lúc đang giả bộ khóc vật ra với cái điệu “Hứt! Hứt! Hứt!” vẫn còn có thể tranh thủ dúi vào tay Xuân mấy đồng bạc.

- Cậu Tú Tân thì bắt bẻ từng người đi đứng như nào, hoặc chống gậy hoặc gục đầu, hoặc cong lưng, hoặc lau nước mắt… để chụp ảnh kỉ niệm lúc hạ huyện. Thậm chí còn rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác mà chụp cho ảnh khỏi giống nhau.

- Những người đi đưa đám, những người ngoài tang quyến thì:

+ Hai viên cảnh sát Min Đơ và Min Toa đang lúc thất nghiệp, mặt buồn như nhà buôn vỡ nợ thì được thuê giữ trật tự cho đám tang, đã "sung sướng cực điểm".

+ Xã hội trưởng giả bè bạn cụ cố Hồng được dịp khoe các thứ huy chương, phẩm hàm: nào Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Mên bội tinh, Vạn tượng bội tinh,… và khoe đủ các loại râu.

+ Sư cụ Tăng Phú thì "sung sướng mà vênh váo" vì tin chắc rằng trong số thiên hạ đứng xem ở các phố thế nào cũng có người nhận ra rằng "sư cụ đã đánh đổ được Hội Phật giáo".

Mỗi chân dung đều được xây dựng dưới ngòi bút trào phúng, để làm nổi bật một xã hội lố lăng, kệch cỡm, dởm đời, chạy theo lối sống Âu hóa.


Được cập nhật: 13 tháng 4 lúc 13:23:03 | Lượt xem: 559

Các bài học liên quan