Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Giải bài 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 19, 20, 21 trang 103, 104, 105 SBT Sinh học 12

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 15 tháng 11 2019 lúc 11:32:32


Mục lục
* * * * *

Giải bài 7 trang 103 SBT Sinh học 12

Nước có đặc điểm gì khác môi trường trên cạn mà nhờ đó sinh vật thuỷ sinh có đặc điểm :

- Các thú ở nước có bộ xương nhẹ hơn bộ xương của thú trên cạn.

- Cây sống ngập trong nước không có cấu tạo gỗ phát triển.

Lời giải chi tiết

- Nước có khả năng nâng đỡ, góp phần nâng đỡ cơ thể động vật và thực vật. Do vậy, bộ xương của thú sống trong nước không nặng và rắn chắc như thú sống trên cạn. Tương tự, cây sống ngập trong nước cũng không phát triển cấu tạo gỗ, cấu tạo nâng đỡ cây, như cây gỗ sống trên cạn.

- Ngoài ra, cây sống trong nước do hấp thụ nước không phải chỉ từ rễ mà qua toàn bộ bề mặt cơ thể, do vậy cấu tạo của mạch gỗ không phát triển.

Giải bài 8 trang 103 SBT Sinh học 12

Càng xuống dưới lớp nước sâu, áp suất càng-tăng lên. Hãy cho biết cá sống ở lớp nước sâu (ví dụ ở đáy đại dương) thường có những đặc điểm thích nghi như thế nào với môi trường có áp suất cao để có thể di chuyển dễ dàng.

Lời giải chi tiết

Dưới lớp nước sâu có áp suất cao, do, vậy có ít sinh vật có khả năng sinh sống. Những động vật sống dưới lớp nước sâu có các đặc điểm giảm ma sát với nước như cơ thể thuôn dài, nhỏ dẹp, có da trơn... và đôi khi có phao nổi giúp cho chúng có khả năng ngoi lên lớp nước phía trên.

Giải bài 9 trang 104 SBT Sinh học 12

Hãy nêu sự khác nhau của môi trường nước và môi trường trên cạn dựa vào các đặc điểm như độ nhớt, sức nổi (khả năng nâng đỡ), sự thay đổi của nhiệt độ, nồng độ không khí, nước và ion, cường độ ánh sáng và áp suất. 

Lời giải chi tiết

Giải bài 10 trang 104 SBT Sinh học 12

Lửa cháy có ảnh hưởng như thế nào tới môi trường sống của sinh vật ? Có người xếp lửa thuộc nhân tố sinh thái khí hậu, có người lại xếp lửa là nhân tố sinh thái chịu tác động của con người, theo em xếp như vậy đúng hay sai ? Giải thích vì sao.

Lời giải chi tiết

Lửa là nhân tố sinh thái vô sinh. Lửa có thể gây ra do tự nhiên như sấm chớp gây cháy rừng - đó là nhân tố sinh thái khí hậu. Lửa gây ra do hoạt động vô ý của con người (ví dụ hoạt động đốt rừng làm rẫy, gây hậu quả sinh thái nghiêm trọng). Đây là nhân tố sinh thái chịu tác động bởi hoạt động của con người.

Giải bài 11 trang 104 SBT Sinh học 12

Nhiều loài cây sống nơi khô hạn có khả năng phục hồi sau khi bị cháy như cây cỏ tranh, hoặc rừng tràm (ví dụ rừng U Minh) dễ bị cháy vào mùa khô. Hãy chỉ ra những đặc điểm thích nghi của các loài cây đó với điều kiện môi trường bị cháy.

Lời giải chi tiết

Nhiều loài cây có những đặc điểm thích nghi đặc biệt với lửa như : có thân ngầm dưới đất, thân và hạt có vỏ dày.

- Cỏ tranh có thân ngầm. Khi rừng cỏ tranh bị cháy, phần thân ngầm dưới đất không bị cháy. Gặp điều kiện thuận lợi như vào mùa mưa, cỏ tranh lại nảy mầm và bắt đầu giai đoạn sống mới.

- Cây tràm có vỏ hạt dày và cứng. Khi rừng bị cháy, một số hạt chỉ cháy phần vỏ ngoài, phần hạt bên trong vẫn có thể nảy mầm khi gặp điều kiện thích hợp. Nhờ đó, rừng tràm có khả năng phục hồi rất tốt sau khi bị cháy.

Giải bài 12 trang 104 SBT Sinh học 12

Sinh vật thuỷ sinh thường có dạng cơ thể kéo dài. Hãy giải thích hiện tượng thích nghi đó. Lấy ít nhất 2 ví dụ, 1 ví dụ về thực vật, 1 ví dụ về động vật để minh hoạ.

Lời giải chi tiết

- Do áp suất nước cao, động vật có dạng cơ thể kéo dài sẽ giảm sức cản của nước, nhờ đó di chuyển thuận lợi hơn. Ví dụ, cơ thể kéo dài của lươn.

- Thực vật có cơ thể kéo dài thường dễ uốn theo dòng nước chảy, tránh được sức cản của nước, nhất là ở những nơi có nước chảy mạnh. Ví dụ, cơ thể kéo dài của nhiều loài rong biển, cây rong tóc tiên

Giải bài 13 trang 104 SBT Sinh học 12

Hãy nêu ít nhất 3 đặc điểm thích nghi với hô hấp qua da của động vật sống trên cạn.

Lời giải chi tiết

Học sinh dựa và những đặc điểm thu nhận khí của da để trả lời, như đặc điểm về cấu tạo (ví dụ, da động vật thường ẩm ướt, da có tế bào hoặc cơ quan trao đổi khí), đặc điểm về tập tính (ví dụ, sống gần ao hồ và lẩn tránh môi trường thiếu nước

- Da động vật thường ẩm ướt đặc biệt ở lưỡng cư, giúp trao đổi khí qua da tốt hơn.

- Da có nhiều mao mạch và máu có sắc tố hô hấp

- Tập tính: sống gần ao hồ và lẩn tránh môi trường thiếu nước

Giải bài 14 trang 104 SBT Sinh học 12

Em hiểu thế nào là áp suất thẩm thấu ở tế bào thực vật ? Áp suất thẩm thấu có liên quan tới khả năng sống trong môi trường nước mặn và nước ngọt của cây hay không ?

Lời giải chi tiết

- Học sinh trả lời dựa trên các ý : Áp suất thẩm thấu phụ thuộc vào nồng độ các chất tích luỹ trong tế bào và trong mạch dẫn của cây, ví dụ như nồng độ ion khoáng, nồng độ đường hoà tan trong dịch tế bào...

- Cây muốn duy trì khả năng hút nước thì phải có áp suất thẩm thấu cao trong tế bào. Cây sống trong môi trường nước càng mặn thì muốn hút được nhiều nước, áp suất thẩm thấu càng phải cao, do vậy cây cần tích luỹ nhiều chất - nhất là các ion có số lượng lớn góp phần điều hoà áp suất thẩm thấu trong cây

Giải bài 15 trang 104 SBT Sinh học 12

Hãy mô tả các đặc điểm thích nghi với môi trường khô hạn của thú và thực vật có hoa.

Lời giải chi tiết

- Thực vật sống nơi khô hạn có các hình thức thích nghi chủ yếu là : cơ thể có bộ phận tích luỹ nước, hoặc cơ thể tiêu giảm nhờ đó hạn chế thoát hơi nước. Rễ phát triển tới các lớp đất sâu có nguồn nước hoặc rễ ăn nồng có khả năng hút hơi nước trong không khí ở vùng sa mạc... Thực vật có hoa có hình thức thích nghi sinh sản với môi trường khô hạn là phát triển phôi trong túi phôi và hạt được bọc kín trong vỏ hạt.

- Động vật chịu hạn có các hình thức thích nghi về cấu tạo cơ thể hoặc về tập tính : Cơ thể có khả năng sử dụng tiết kiệm nước, thải phân khô, có khả năng dự trữ nước (như lạc đà..), hầu hết các động vật đều có tập tính tìm đến nguồn nước, hoặc đào hang tránh nắng chống mất nước... Phát triển phôi giúp giai đoạn phát triển con non tránh được điều kiện môi trường khô hạn.

Giải bài 16 trang 104 SBT Sinh học 12

Em hiểu như thế nào là quy tắc về tỉ lệ giữa diện tích bề mặt cơ thể với thể tích cơ thể (quy tắc Becman và quy tắc Anlen) khi nói về sự thích nghi của động vật hằng nhiệt với sự thay đổi của nhiệt độ môi trường ? Hãy sừ dụng kiến thức đó để giải thích hiện tượng động vật hằng nhiệt ở vùng phía bắc lại có cơ thể lớn hơn vùng phía nam, ngược lại động vật ở vùng phía nam có các cơ quan góp phần vào toả nhiệt như tai, đuôi, các chi.... lại lớn hơn của động vật vùng phía bắc.

Lời giải chi tiết

- Nguyên tắc chung của quy tắc: Khi so sánh tỉ số s/v của các vật thể có kích thước khác nhau (S là diện tích bề mặt của một vật thể và V là thể tích của vật thể đó) ta thấy : vật thể có kích thước lớn thì tỉ số s/v nhỏ và ngược lại ở vật thể có kích thước nhỏ thì tỉ số này là lớn. Như vậy, vật thể có kích thước càng lớn thì diện tích bề mặt (tính trên tỉ số với thể tích) là càng nhỏ và ngược lại, vật thể có kích thước càng nhỏ thì diện tích bề mặt càng lớn.

Đối với cơ thể động vật :

S/V của Động vật có kích thước lớn < S/V của Động vật có kích thước nhỏ

Động vật hằng nhiệt (ví dụ : gấu, cáo, hươu, thỏ.) sống ở vùng ôn đới lạnh có kích thước cơ thể lớn sẽ có diện tích bễ mặt cơ thể nhỏ (tính trên tỉ lệ với thể tích), điều đó có ý nghĩa trong việc giảm diện tích toả nhiệt của cơ thể. Ngược lại, động vật sống ở vùng nhiệt đới nóng có kích thước cơ thể nhỏ sẽ có diện tích bề mặt cơ thể lớn (tính trên tỉ lệ với thể tích), điều đó có ý nghĩa trong việc tăng diện tích toả nhiệt của cơ thể. Qua đó có thể hạn chế khả năng mất nhiệt của cơ thể.

- Động vật hằng nhiệt ở vùng nhiệt đới nóng có tai, đuôi, chi.. lớn có ý nghĩa trong việc tăng cường diện tích toả nhiệt của cơ thể. Qua đó tăng cường khả năng toả nhiệt của cơ thể

Giải bài 17 trang 105 SBT Sinh học 12

Hãy nêu những đặc điểm thích nghi của thực vật quang hợp trong môi trường thiếu ánh sáng của vùng nước sâu hay ở tầng dưới cùng của rừng mưa nhiệt đới.

Lời giải chi tiết

- Kích thước lá lớn để tăng diện tích quang hợp, màu sẫm, mô giậu kém phát triển

- Các lá xếp xen kẽ nhau và nằm ngang

- Có khả năng quang hợp ở ánh sáng yếu.

Nhờ có các đặc điểm hình thái thích nghi với điều kiện ánh sáng yếu nên cây thu nhận đủ ánh sáng cho quang hợp

Giải bài 19 trang 105 SBT Sinh học 12

Đa số thực vật sống trên cạn hút nước từ môi trường ngoài vào cơ thể qua lông hút ở rễ, nhưng cũng có nhiều loài như nấm mốc, tảo và nhiều loài thực vật sống trong nước hút nước qua phần lớn bề mặt cơ thể. Hãy giải thích đặc điểm thích nghi với khả năng hút nước đó

Lời giải chi tiết

Do đặc điểm của môi trường nước không giống môi trường trên cạn (cây lấy nước chủ yếu trong đất qua rễ cây), nhiều loài thuỷ sinh trao đổi nước qua diện tích bề mặt cơ thể bằng hình thức thấm qua lớp tế bào biểu bì. Những loài cây này không có hệ rễ và mạch dẫn phát triển.

Giải bài 20 trang 105 SBT Sinh học 12

Chim có đời sống thích nghi rất phong phú. Hãy chỉ ra các đặc điểm sinh học của chim thể hiện sự thích nghi với :

- Điều kiện bay.

- Khả năng trao đổi khí khi bay.

- Khả năng cân bằng nước.

- Khả năng điều hoà nhiệt độ cơ thể.

Lời giải chi tiết

Chim có những những đặc điểm cơ bản để thích nghi với đời sống như sau:

- Thân hình thoi ⟶ giảm sức cản không khí khi bay.

- Chi trước biến thành cánh ⟶ quạt gió (động lực của sự bay), cản không khí khi hạ cánh.

- Chi sau có 3 ngón trước, 1 ngón sau ⟶ giúp chim bám chặt vào cành cây và khi hạ cánh.

- Lông ống có các sợi lông làm thành phiến mỏng ⟶ làm cho cánh chim khi giang ra tạo nên 1 diện tích rộng.

- Lông tơ có các sợi lông mảnh làm thành chùm lông xốp ⟶ giữ nhiệt, làm cơ thể nhẹ.

- Mỏ: Mỏ sừng bao lấy hàm không có răng ⟶ làm đầu chim nhẹ.

- Cổ dài khớp đầu với thân ⟶ phát huy tác dụng của các giác quan, bắt mồi, rỉa lông.

- Toàn thân phủ lông vũ. Chi trước thường biến đổi thành cánh để thích nghi với sự bay lượn trên không. Chi sau biển đổi khác nhau thích hợp với đậu trên cành cây.

- Da mỏng, hầu như không có tuyến, trừ tuyến phao câu ở cuối thân

- Bộ xương hoá cốt hoàn toàn. Xương xốp, nhiều khoang khí, nhưng rất rắn chắc. Xương ức phát triển tạo nên gờ lưỡi hái.

- Hệ thần kinh phát triển cao. Bán cầu não, thuỳ thị giác, tiểu não lớn, thuỳ khứu giác nhỏ

- Thính giác nhạy. Mắt lớn, là cơ quan định hướng khi bay. Khứu giác kém phát triển

- Hệ tuần hoàn kép, tim 4 ngăn, chỉ còn cung chủ động mạch phải. Máu nuôi cơ thể là máu đỏ tươi hoàn toàn

- Hô hấp bằng phổi. Hệ thông túi khí phát triển len lỏi vào giữa các nội quan, cơ dưới da. Túi khí giúp cơ thể chim cách nhiệt, giảm nhẹ thể trọng, chủ yếu hô hấp trong khi bay

- Cơ quan hô hấp của chim có những biến đổi rất lớn, đáp ứng nhu cầu trao đổi khí cao khi chim bay.

- Cơ quan tiêu hoá có cấu tạo theo hướng làm nhẹ cơ thể: không có răng, không có ruột thẳng tích trữ phân, các phần phủ tạng đều tập trung ở phần trước cơ thể

Giải bài 21 trang 105 SBT Sinh học 12

Nhiều loài thực vật có khả năng hồi sinh sau khi gặp điều kiện khô hạn khắc nghiệt. Em hãy lấy ít nhất 2 ví dụ minh hoạ cho hiện tượng này, đồng thời chỉ ra những đặc điểm thích nghi đã giúp cho chúng có khả năng phục hồi đó.

Lời giải chi tiết

Đặc điểm thích nghi của thực vật với điều kiện khô hạn rất phong phú, học sinh có thể trình bày về các đặc điểm thích nghi như thân ngầm trong đất tránh được điều kiện thiếu nước (cỏ tranh), phát triển hạt và vỏ hạt dày giúp cây tồn tại qua thời gian khô hạn (các cây có hạt)


Được cập nhật: 5 tháng 5 lúc 13:37:24 | Lượt xem: 428