Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Diễn đạt trong văn nghị luận (tiếp theo)

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 12 tháng 2 2020 lúc 11:46:59


Mục lục
* * * * *

III. XÁC ĐỊNH GIỌNG ĐIỆU PHÙ HỢP TRONG VĂN NGHỊ LUẬN

1. Tìm hiểu các đoạn trích và thực hiện các yêu cầu bên dưới.

a. Đối tượng nghị luận và nội dung cụ thể của hai đoạn văn trên khác nhau nhưng giọng điệu trong lời văn có điểm tương đồng. Đó là sự trang trọng nghiêm túc.

Ngoài sự tương đồng ở một điểm chung đó, giọng điệu của từng đoạn văn có những nét đặc trưng riêng biệt:

- Đoạn 1: giọng sôi hổi, mạnh mẽ hùng hồn

- Đoạn 2: giọng trầm lắng, thiết tha

b. Cơ sở chủ yếu tạo nên sự khác biệt giọng điệu của lời văn trong những đoạn văn trên là đối tượng nghị luận, nội dung nghị luận. Đoạn 1 là đoạn văn viết về tội ác của thực dân Pháp nhằm lên án chung trước đồng bào và dư luận thế giới. Từ đó khẳng định việc giành độc lập của dân tộc Việt Nam là tất yếu.

Đoạn 2 viết về thơ Hàn Mặc Tử, lí giải cái gọi là "Thơ điên, thơ loạn" thực chất là thể hiện "một sức sống phi thường", "một lòng ham muốn sống vô biên", "một ước mơ rất con người".

c. Cách sử dụng từ ngữ, cách sử dụng các kiểu câu, các biện pháp tu từ vựng hoặc cú pháp có vai trò chủ yếu trong việc biểu hiện giọng điệu của từng đoạn.

- Đoạn 1: sử dụng nhiều từ ngữ thuộc lớp từ ngữ chính trị, xã hội (tự do, bình đẳng, bác ái, chính trị, dân chủ, luật pháp, dư luận, chính sách..), sử dụng phép lặp cú pháp, phép song hành, phép liệt kê.

- Đoạn 2: sử dụng những từ ngữ thuộc lĩnh vực văn chương và cuộc đời (lời thơ, ý thơ, bài thơ, thơ điên, thơ loạn, những bài thơ văn, sức sống, ham sống ước mơ, ý thức, sống, chết...) sử dụng kết hợp các kiểu câu, các biện pháp tu từ: câu cảm thán, câu lặp cú pháp...

2. Tìm hiểu các đoạn trích và thực hiện các yêu cầu bên dưới.

          Nhận xét về giọng điệu của lời văn nghị luận trong từng đoạn văn, chỉ rõ những phương tiện từ ngữ, kiểu câu biểu hiện giọng điệu. Phân tích ngắn gọn những cơ sở của giọng điệu ấy trong từng trường hợp cụ thể.

- Đoạn 1: Giọng văn hùng hồn, mạnh mẽ, thúc giục. Để tạo nên chất giọng này, người viết dùng những từ ngữ, câu văn hô gọi, cầu khiến, khẳng định mạnh (Hỡi đồng bào toàn quốc, hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Không! Chúng ta thà.. chứ nhất định không... không...), sử dụng biện pháp trùng lặp cú pháp (Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta muốn nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới...). Người viết đã chọn giọng điệu thích hợp với mục đích kêu gọi "đồng bào toàn quốc".

- Đoạn 2: là lời bình thơ Xuân Diệu. Đoạn văn được viết với giọng ngợi ca, tha thiết, say mê. Người viết sử dụng nhiều tính từ chỉ trạng thái, mức độ (dào dạt, lặng lẽ, say đắm, vội vàng, cuống quýt, ngắn ngủi, vui, buồn, nồng nàn, tha thiết, náo nức, xôn xao, thê lương, bi đát...) sử dụng kết hợp các kiểu câu ngắn, dài, câu nhiều tầng, câu lặp cú pháp, liệt kê.

Từ những nội dung đã tìm hiểu, xác định đặc điểm quan trọng nhất của giọng điệu ngôn từ trong văn nghị luận:

- Giọng điệu chủ yếu của lời văn nghị luận là trang trọng, nghiêm túc.

- Các phần trong bài văn có thể thay đổi giọng điệu sao cho thích hợp với nội dung cụ thể: sôi nổi, mạnh mẽ, trầm lắng, hài hước...

GHI NHỚ

Giọng điệu cơ bản của lời văn nghị luận là trang trọng, nghiêm túc nhưng ở mỗi phần trong bài văn có thể thay đổi sao cho phù hợp với nội dung cụ

LUYỆN TẬP

Bài 1

Phân tích, làm rõ những đặc điểm cụ thể trong cách vận dụng từ ngữ, vận dụng kiểu câu, biểu hiện giọng điệu của lời văn trong những đoạn văn nghị luận.

- Đoạn 1: Hồ Chí Minh đã sử dụng từ ngữ một cách chính xác, phù hợp với việc tuyên bố thoát li mọi quan hệ với thực dân Pháp, đặc biệt là sử dụng nhiều từ ngữ chính trị về câu, điểm nổi bật là đoạn sử dụng kiểu câu lặp cú pháp và kiểu, câu song hành, với những câu ngắn để nhân mạnh những điều khẳng định. Vì vậy, giọng điệu, ngôn từ của đoạn văn rất rắn rỏi, dứt khoát, mạnh mẽ và cương quyết.

- Đoạn 2: nói về thời và thơ Tú Xương, Nguyễn Tuân đã sử dụng những từ ngữ rất tài hoa (lưu đãng hão huyền, con nhà nho khái, cái tâm hồn thèm chan hòa, con người khái, lần hồi đắp đổi, lại xoay ra ba dọi...) Tác giả còn sử dụng kiểu câu điệp cấu trúc, song hành cú pháp (đoạn đầu), tạo nên một giọng điệu rất riêng, một giọng điệu (rất Nguyễn Tuân), tài hoa, uyên bác, đầy biến hóa trong việc sử dụng ngôn từ.

- Đoạn 3: Tác giả viết theo lối so sánh đế làm nổi bật những điểm khác biệt trong tính cách, phẩm chất, tâm hồn, tình cảm... của Kiều và Từ Hải. Vì vậy, đoạn văn vẫn sử dụng rất nhiều cặp tính từ tương phản (yếu đuối - hùng mạnh, tủi nhục - vinh quang, chịu đựng - bất bình, tiếng khóc - tiếng cười, lê lết - vùng vẫy, tự ti - tự tôn....) Người viết cũng sử dụng hàng loạt câu có kết cấu ngữ pháp song trùng (nếu Kiều... thì Từ...). Đoạn văn vì thế mang âm hưởng nhịp nhàng, cân đối.

Bài 2

Cả ba vấn đề nêu ra là những vấn đề nghị luận xã hội.

Đề 1. Suy nghĩ của anh chị về việc lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên hiện nay

Bài văn mẫu

          Trên thế giới hiện nay có hơn 2000 nghề với hàng chục lĩnh vực chuyên môn. Có nhiều bạn trẻ đứng trước ngưỡng cửa tương lai và đối diện với vấn đề chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân vẫn thấy mình lúng túng. Có không ít bạn trẻ không chưa tìm được công việc phù hợp với bản thân và cũng có không ít bạn cảm thấy không hạnh phúc với công việc mình làm. Vì vậy, việc lựa chọn nghề nghiệp càng trở nên quan trọng đối với thanh niên hiện nay.

          Hiện nay rất nhiều các bạn thanh niên trẻ đang rất băn khoăn về việc lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân mình. Đặc biệt đối với những bạn vừa học xong cấp ba. Có những bạn muốn bước tiếp vào đại học, học một chuyên ngành mình yêu thích rồi mới xác định đi làm. Còn một số bạn khác lại muốn đi làm để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống dù ít hay nhiều.

          Mỗi một con người sinh ra đã khác nhau thì năng lực và trí tuệ cũng khác nhau dẫn đến cách lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người mỗi khác.Có những người muốn lựa chọn cho mình các công việc mà có mức lương cao làm nhanh có nhiều tiền và có những người muốn chọn cho mình một công việc mà mình thích không quan tâm lương ra sao. Có những người ngay từ nhỏ đã muốn trở thành giáo viên, bác sĩ, công an, kĩ sư…và họ đã ra sức học tập rèn luyện để làm được công việc đó.

          Dù là lựa chọn công việc gì đi chăng nữa cũng không quan trọng mà quan trọng hơn cả là lương tâm và đạo đức nghề nghiệp phải phù hợp và đúng đắn với xã hội. Mỗi một công việc lại có một khía cạnh, tầm quan trọng khác nhau do vậy mồ hôi công sức và mức thu nhập khác nhau. Có nghề làm ra được nhiều tiền, có nghề làm được ít tiền nhưng những nghề đó sẽ là nền tảng sự nghiệp cho tương lai về sau. Khi con người ta đã có một công việc ổn định trong xã hội cũng đồng nghĩa với việc họ có một vị trí và một tương lai tốt đẹp trong xã hội và người ta gọi đó là thành công. Mà thành công thì rất quan trọng với mỗi người khiến con người ta ai cũng muốn với tới.

          Khi ngày nay xã hội ngày càng hiện đại, mở cửa hội nhập với thế giới thì việc lựa chọn nghề nghiệp cho đúng đắn là vô cùng quan trọng. Nếu bạn không xác định từ trước có khi bạn sẽ trở thành một người thất nghiệp. Để đảm bảo được sự lựa chọn của mình các thanh niên trẻ hiện nay cần xem xét kĩ lưỡng xem xã hội cần gì, đang thiếu và năng lực của mình ra sao có đáp ứng được không thì cơ hội việc làm của bạn chọn là rất dễ.

          Hiện nay tình trạng sinh viên đại học ra trường thất nghiệp nhiều là do mọi người đua nhau học một ngành mà xã hội đã đủ khiến nhiều bạn không xin được việc hay đi làm trái ngành. Điều này làm chúng ta mất rất nhiều thời gian của bản thân. Nếu bạn lựa chọn được và kiên nhẫn thực hiện nó thì bạn sẽ thấy rằng công việc của bạn chọn là không có gì đáng tiếc.

          Dù xã hội có ra sao có phát triển đến mấy thì nghề nghiệp là một yếu tố rất quan trọng đối với mỗi người. Nó sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều thứ có thêm thu nhập phụ giúp cho bản thân, gia đình và tạo cho bạn một chỗ dựa ổn định để bạn duy trì trong tương lai.

          Như vậy ngay khi còn là một học sinh chúng ta hãy vạch ra cho mình những ước mơ, mục đích rõ ràng rồi cố gắng học tập rèn luyện mình thật tốt để mai sau có một nghề nghiệp ổn định, một chỗ dựa địa vị trong xã hội để trở thành một con người có ích cho đất nước góp phần làm cho xã hội phát triển đi lên giàu mạnh. Và mỗi người cần ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp. Đây là một vấn đề khó mà ít người có thể xác định đúng ngay từ đầu mà có những người phải trải qua rất nhiều khó khăn thất bại và rút ra được nhiều bài học cho bản thân thì mới xác định được đúng. Vậy nếu chúng ta chọn sai đồng nghĩa chúng ta đang đi trên một con đường khác không phải là thành công làm cho chúng ta bị tụt lùi so với xã hội và dần lâu ngày chúng ta sẽ thấy cuộc sống thật là tẻ nhạt chỉ toàn một màu đen và làm cho cuộc sống không có ý nghĩa.

          Nhưng một bộ phận thanh niên nhỏ trong xã hội lại buông thả mình theo những cuộc chơi để rồi xa lánh vào những tệ nạn xã hội. Dẫn đến chọn cho mình những công việc vi phạm pháp luật như buôn bán tàng trữ các chất kích thích như ma túy, buôn bán hàng giả, hàng không có nguồn gốc,…gây ra nhiều hậu quả xấu cho cuộc sống của con người. Những công việc này không chỉ có hại đối với bản thân mà nó còn có hại tới cả gia đình và xã hội. Nó sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước làm cho đất nước không thể phát triển để sánh vai với các cường quốc khác trên thế giới được.

          Chính vì những lẽ đó mà các bạn trẻ cần lựa chọn và cân nhắc kĩ lưỡng về nghề nghiệp mà mình làm. Chẳng bao giờ là muộn khi bắt đầu thứ mình thích. Còn gì tuyệt vời bằng việc tìm được công việc mình ưa thích, có thể thỏa mãn đam mê và cống hiến hết mình. Thanh niên thời nay với tính năng động và khả năng tiếp thu nhiều cái mới, có cơ sở và có quyền lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với mình để có thể phát huy hết tiềm năng

Đề 2. Một số bạn trẻ hiện nay cho rằng: “Trước hết là phải sống cho mình”. Theo anh (chị), trách nhiệm với bản thân khác với tính vị kỉ như thế nào?    

Bài văn mẫu

          Thời Tam quốc ở Trung Quốc, gian hùng Tào Tháo cho rằng: “Ai không vì mình thì trời chu đất diệt”. Trải qua độ lùi của thời gian, điều đó đã được kiểm chứng và quả thực, một số bạn trẻ trong xã hội hiện đại cho rằng: “Trước hết là phải sống cho mình”. Quan điểm này có ranh giới rất mong manh và quan trọng là cần phân biệt giữa trách nhiệm của bản thân với tính vị kỉ.

          Con người là sản phẩm hoàn hảo nhất của tạo hoá: Đó là sinh vật duy nhất trên Trái Đất biết tư duy và biết yêu thương. Con người cũng là sản phẩm hoàn hảo nhất của xã hội: đó là sự tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Đứa con được hình thành từ tình yêu thương của cha và của mẹ, đứa con được sinh ra từ khúc ruột cắt đôi của người mẹ sau chín tháng mười ngày mang nặng, sau giây phút “vượt cạn” đớn đau tột bậc,... Với tất cả những ý nghĩa ấy, con người là thứ đẹp đẽ, tuyệt diệu nhất của sự sống. Làm bất kì điều gì có hại cho chính bản thân mình con người đều mang tội với cuộc đời: cha mẹ, họ hàng, tổ tiên,... và chính bản thân mình nữa. Lối sống có trách nhiệm với bản thân nhắc nhở mỗi người phải biết chăm lo đến sự an toàn và phát triển của cá nhân mình về mọi mặt: sức khoẻ, tri thức, nhân cách,... Biểu hiện rõ ràng nhất của lối sống ấy là biết giữ gìn sức khoẻ, làm việc - lao động có chừng mực; trau dồi đạo đức, lối sống, tri thức,…

          Ích kỉ là chỉ biết mình, chỉ vì lợi ích cho riêng mình mà không biết đến người khác. Tính ích kỉ bộc lộ bản chất hẹp hòi, nhỏ mọn của kẻ tiểu nhân. Người ích kỉ có những hành động, việc làm chỉ chăm chăm nhằm mang lại lợi ích cho cá nhân mình, thậm chí bất chấp thủ đoạn giày xéo lên công bằng, đạo lí và lợi ích của người khác để có được mối lợi ấy. Đó là những kẻ trong nguy nan một mình trốn chạy bỏ mặc bạn bè, là những kẻ làm ngơ trước nỗi đau của đồng loại mà ăn chặn từng gói mì cứu trợ đồng bào lũ lụt, mà buôn bán phụ nữ, buôn bán ma tuý, hêrôin,... Gần gũi hơn trong đời sống học sinh, sự ích kỉ bộc lộ ngay trong hành vi cóp bài, gian lận khi kiểm tra thi cử. Những hành động sai trái ấy làm lợi cho một người nhưng tạo ra sự bất công đối với những nỗ lực của bao nhiêu người khác.

          Rõ ràng, sống có trách nhiệm với bản thân ngược lại hoàn toàn với lối sống ích kỉ. Sống có trách nhiệm với bản thân giúp thể lực và đặc biệt giúp nhân cách cá nhân phát triển, sống hoà nhập và có ích với cộng đồng. Nhưng lối sống ích kỉ thì tách cá nhân ra khỏi cộng đồng, biến con người trở thành một ốc đảo cô độc. Mặt khác, lối sống hẹp hòi ấy còn gây hại cho đời sống xã hội. Chính bởi vậy, trong quá trình tập cho mình lối sống có trách nhiệm với bản thân, mỗi người còn cần dẹp bỏ mầm mống của tính ích kỉ trong chính con người mình.

          “Trước hết cần phải sống cho mình”, quan niệm ấy không sai nếu được hiểu đúng. Thật sai lầm khi cho rằng trước hết cần phải dành cho mình mọi điều tốt đẹp, “sống cho mình” nghĩa là bất chấp mọi cách thức để mang lại quyển lợi cho bản thân. Nên hiểu rằng, “sống cho mình” là sống cho sự hoàn thiện của cái tôi bản ngã. Mục tiêu đầu tiên của cuộc đời là sống để giúp bản thân mình phát triển toàn diện, đúng hướng, được xã hội thừa nhận những giá trị trong nhân cách của bản thân.

          “Sống trên đời cần một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn bay đi...”. Tấm lòng mà cuộc đời cần đến ấy, tấm lòng mà gió muốn cuốn bay đi để ươm mầm gieo hạt trên mảnh đất quê hương chính là sự vị tha, bác ái giữa con người... Cuộc đời cần đến những con người biết sống có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng; cuộc đời phủ nhận sự ích kỉ đang từng ngày từng giờ huỷ hoại những tâm hồn trẻ tuổi.

Đề 3. “Giá trị của con người không ở chân lí người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu, mà ở nỗi gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí” (Lét-xinh)

Từ câu nói trên, anh (chị) suy nghĩ gì về những thành công và thất bại trong hành trình tìm kiếm những giá trị cao đẹp của đời sống con người?

Bài văn mẫu

           “Giá trị của con người không ở chân lí người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu, mà ở nỗi gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí”. Câu nói của Lét-xinh gợi cho ta nhiều suy nghĩ về những thành công và thất bại trong hành trình tìm kiếm những giá trị cao đẹp của đời sống con người.

          Trong cuộc sống, con người luôn khao khát khám phá những giá trị của bản thân mình: mình đang đứng ở đâu? Mình là ai trong mắt mọi người, trong đời sống xã hội. Xác định được vị trí, hiểu được giá trị của bản thân là nhu cầu thiết yếu, chính đáng của mỗi người. Song, không phải ai cũng có được nhận thức đúng đắn về điều đó. Có những kẻ luôn ngộ nhận về khả năng của mình, họ cho rằng mình là số một, là chân lí của cuộc sống. Đó là tư tưởng của những kẻ độc tài, tự kiêu và tự phụ. Lại có người nhút nhát, sợ sệt mọi thứ, không bao giờ nghĩ rằng, mình có thể làm được điều gì có ích. Đó lại là những người tự ti. Rõ ràng “Giá trị của con người không ở chân lí người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu”, tức là giá trị của con người không nằm ở những giá trị tốt đẹp, đúng đắn mà bản thân họ có hay họ nghĩ rằng mình có. Vậy giá trị ấy nằm ở đâu? Nó nằm ở những “gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí”.

          Vậy là, điều được ghi nhận trong giá trị của con người là những nỗ lực, những cố gắng trong hành trình đi tìm, vươn tới cái đẹp, cái thiện ở đời. Tại sao vậy?

          Cuộc sống là hành trình con người đi tìm mình và tự khẳng định mình. Ai cũng khao khát vươn tới cái hoàn mĩ của sự sống. Nếu con người đạt được một điều nào đó, một chân lí trong cuộc sống thì chân lí đó đã được con người chiếm lĩnh. Nhưng bất hạnh nằm ở việc chân lí cũng có tính tương đối, nó có thể đúng trong nhiều trường hợp nhưng lại sai trong một số trường hợp. Vậy, nếu con người bằng lòng với chân lí mình có, dừng lại cuộc hành trình tìm kiếm vẻ đẹp cuộc sống thì khi ấy con người thất bại. Vậy kết quả của mọi công việc chưa phải là điều lớn nhất chúng ta đòi hỏi ở một con người. Quan trọng là con người ấy đã vượt qua gian khó mà nhận lãnh trên đường đi tìm chân lí. Đó có thể là sự chăm chỉ cũng có thể là sự lười nhác. Đó có thể là can đảm cũng có thể là sự hèn nhát. Đó có thể là sáng tạo, năng động nhưng cũng có thể là sự thụ động, máy móc. Đó có thể là sự chân thành nhưng cũng có thể là sự dối trá. Hành trình đi tìm kiếm cái đẹp là hành trình chạy đua trong một đường hầm kín. Chính vì vậy, giá trị đích thực của con người phải là “những gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí”. Câu nói của Lét-xinh có điểm gặp gỡ với ý: “Hạnh phúc là nằm ở cuộc hành trình chứ không phải ở đích đến.”

Chân lí chỉ có thể có được khi con người đã trải qua một cuộc hành trình. Nó không phải là nhận thức tức thì, chóng vánh theo kiểu tư duy mì ăn liền. Cũng không thể ngồi nhà chúi mũi vào trang sách và gật gù, tâm đắc với chân lí của các nhà hiền triết đã đúc kết. Chân lí đó là của người khác chứ không phải của bản thân ta. Bởi vậy, giá trị của một người không nằm ở việc ai có thể chạm tay vào chân lí sớm hơn mà nằm ở việc đã bước đi như thế nào để có thể đến được với chân lí.


Được cập nhật: hôm kia lúc 12:28:56 | Lượt xem: 384

Các bài học liên quan