Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Đàn ghi-ta của Lorca

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 12 tháng 2 2020 lúc 10:14:24


Mục lục
* * * * *
Đàn ghi-ta của Lorca

Câu 1

- Các hình ảnh: “tiếng đàn bọt nước”, “áo choàng đỏ gắt”, “vầng trăng chếnh choáng”, “yên ngựa mỏi mòn” đều mang tính biểu tượng. Các dòng thơ không hề có hình ảnh về con người nhưng bóng dáng con người vẫn hiện lên rõ nét qua hình ảnh và âm thanh (tiếng đàn), màu sắc (áo choàng đỏ gắt), trạng thái (chếch choáng, mỏi mòn).

- Ngay ở khổ thơ đầu, người đọc đã được bước vào một không gian đậm chất Tây Ban Nha, với tiếng đàn ghi ta, niềm tự hào của Tây Ban Nha với hình ảnh “áo choảng đỏ gắt” - áo choàng khoác trên mình những võ sĩ đâu bò tót - một biểu tượng của Tây Ban Nha.

- Các hình ảnh “đi lang thang về miền đơn độc”, “với vầng trăng chếnh choáng”, “trên yên ngựa mỏi mòn” có ý nghĩa chỉ cuộc hành trình của con người: “đi lang thang về niềm đơn độc/ với vầng trăng chếnh choáng/ trên yên ngựa mỏi mòn”. Đó là cuộc độc hành của con người – cuộc độc hành của Lor-ca (một anh hùng của Tây Ban Nha).

Câu 2

Cảm nhận về đoạn thơ sau:

“không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng”

a. Hình ảnh tiếng đàn, sự nghiệp nghệ thuật và khát vọng đổi mới của Lor-ca sau khi ông ra đi (2 câu trước)

- Lor-ca đã từng bộc lộ những tâm nguyện chân thành tha thiết:

khi nào tôi chết

hãy vùi thây tôi cùng cây đàn

dưới lớp cát

(Ghi nhớ - Lor-ca)

Đoạn thơ trước hết thể hiện tình yêu say đắm của Lor-ca với cây đàn ghi-ta, với nghệ thuật cao khiết. Tuy nhiên, những câu thơ trên còn là thông điệp cao đẹp của Lor-ca gửi tới cuộc đời. Có lẽ Lor-ca đoán biết một ngày nào đó, sự nghiệp vĩ đại của ông sẽ án ngữ, ngăn cản những sáng tạo nghệ thuật của thế hệ sau nên đã khẩn thiết căn dặn hậu thế phải biết “chôn cất tiếng đàn” của ông, biết vượt qua cái bóng lớn lao của ông để đi tới.

- Ý thơ của Lor-ca đã được Thanh Thảo lấy làm lời đề từ cho bài thơ: “Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn!” khiến tư tưởng vĩ đại của Lor-ca trở thành một trong những chủ đề của bài thơ, là tình yêu cháy bỏng với cây đàn ghi-ta, với nghệ thuật, cũng đồng thời là thông điệp của người nghệ sĩ cao cả đã hi sinh cuộc đời vì nghệ thuật, lại sẵn sàng hi sinh cả sự nghiệp của cá nhân mình cho công cuộc đổi mới nghệ thuật Tây Ban Nha – đó là khát vọng vĩ đại của một nhân cách vĩ đại.

- Hai câu thơ đầu “Không ai chôn cất tiếng đàn / Tiếng đàn như cỏ mọc hoang” đã gợi ra nhiều tầng nghĩa:

+ Từ sự đối lập giữa tâm nguyện của Lor-ca với ý thơ Thanh Thảo: “Không ai chôn cất tiếng đàn” có thể thấy rằng: đó là nỗi chua xót cho hành trình cách tân nghệ thuật dang dở cùng tâm nguyện đổi mới của Lor-ca với nghệ thuật Tây Ban Nha. Không ai hiểu di chúc của Lor-ca, sự ngưỡng mộ của hậu thế với thần tượng Lor-ca khiến sự nghiệp cách tân của ông khó lòng tiếp tục. Khát vọng đổi mới nền nghệ thuật Tây Ban Nha đã chạm phải rào cản của chính sự nghiệp nghệ thuật Lor-ca. Khi vì tình yêu và sự kính trọng, hậu thế không nỡ chôn cất tiếng đàn, họ hiểu rằng bằng cách ấy, thế hệ sau đã dừng lại chiêm ngưỡng quá khứ và chôn vùi khát vọng đối với nghệ thuật Tây Ban Nha không còn bàn tay người dẫn dắt, thiếu người tiếp bước trong công cuộc cách tân, đổi mới của nghệ thuật Tây Ban Nha.

+ Đó cũng có thể là niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của tiếng đàn, tiếng thơ, tiếng lòng Lor-ca. Không ai có thể chôn cất tiếng đàn của Lor-ca. Tiếng đàn ấy chính là sự sống, là linh hồn đất nước, là sự trường tồn bất tử.

=> Hai ý nghĩa trên không hề loại trừ nhau mà như một dòng chảy cuộc sống. Chiến đấu với nền nghệ thuật già cỗi Tây Ban Nha đầu thế kỉ XX, Lor-ca phải phủ định nó, vượt qua nó để đem sức sống mới trẻ trung cho nghệ thuật Tây Ban Nha. Trong vai trò một nhà cách tân, Lor-ca cũng mong hậu thế sẽ chôn cất tiếng đàn của ông, vượt qua ông để không ngừng đổi mới nền nghệ thuật Tây Ban Nha.

b. Hình ảnh tượng trưng thể hiện nỗi buồn, sự xót xa trước khát vọng cách tân dang dở (2 câu sau)

- “Vầng trăng chếnh choáng” theo bước chân chàng kị sĩ cô đơn, phiêu lãng trên những nẻo đường đất nước, nay lại xuất hiện trong sự dồn tụ đau thương của trời đất. Khôi phục những liên tưởng gián đoạn trong hai câu thơ, người đọc có thể hình dung ra một ẩn dụ đau đớn: vầng trăng không chỉ vời vợi trên bầu trời mà còn long lanh dưới đáy giếng thẳm sâu tựa như giọt nước mắt lớn của vũ trụ.

- Hình ảnh “đáy giếng” là biểu tượng cho mặt đất Tây Ban Nha, gợi ra những liên tưởng đau buồn về nơi kẻ thù vùi xác Lor-ca. Ý thơ đưa đến cảm nhận về nỗi đau hiện hữu sống động và sâu kín, mãnh liệt được nén chặt.

- Hình ảnh “giọt nước mắt – long lanh” cho thấy hàng thế kỉ trôi qua mà nỗi đau vẫn còn đó, đất nước và con người Tây Ban Nha vẫn khóc thương người con yêu quý, người nghệ sĩ Tây Ban Nha vĩ đại đã ra đi trong cái chết oan trái.

Câu 3

Hình tượng tiếng đàn trong bài thơ mang ý nghĩa ẩn dụ:

- Tiếng đàn được hiện lên với nhiều cung bậc khác nhau: Khi thì vui tươi, là giai điệu của tình yêu, khi lại chia cắt, tan vỡ, âm thanh tang tóc, đau thương.

- Đây là hình ảnh ẩn dụ để chỉ sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của Lor-ca, cho chính cuộc đời của một người nghệ sĩ.

- “Tiếng đàn bọt nước” là ẩn dụ để chỉ sự cô đơn, phiêu lãng cất lên từ chính trái tim người nghệ sĩ.

- Tiếng đàn cũng tượng trưng cho khát vọng cách tân nghệ thuật đẹp đẽ nhưng còn dang dở, bị vùi dập của Lor-ca.

LUYỆN TẬP

Cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh Lor-ca được thể hiện qua bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca?

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu hình tượng người nghệ sĩ Lor-ca.

2. Thân bài

* Lor-ca là người nghệ sĩ chân chính, dám đơn độc đứng lên chống lại nền nghệ thuật già cỗi Tây Ban Nha.

* Lor-ca bị giết chết, sự nghiệp cách tân thơ ca nghệ thuật còn dang dở.

* Lor-ca cùng những tư tưởng cách tân nghệ thuật của ông bất tử, không thể bị giết chết.

3. Kết bài: Đánh giá về hình tượng người nghệ sĩ Lor-ca.


Được cập nhật: 10 tháng 4 lúc 21:20:05 | Lượt xem: 423

Các bài học liên quan