Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Chiều tối (Hồ Chí Minh)

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 10 tháng 2 2020 lúc 16:23:18


Mục lục
* * * * *
Chiều tối (Hồ Chí Minh)

GHI NHỚ

- Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại mà người còn là một nhà thơ tài năng. Đời thơ của Bác kết tinh trong tập Nhật kí trong tù.

- Bài “Chiều tối” là bài số 31 trích trong tập Nhật kí trong tù. Bài thơ cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh. Bài thơ đậm sắc thái nghệ thuật cổ điển mà hiện đại.

Câu 1

So sánh bản dịch thơ với bản dịch nghĩa, tìm những chỗ chưa sát với nguyên tác (chú ý câu 2 và câu 3).

Đối chiếu bản dịch thơ với bản dịch nghĩa và nguyên tác, ta thấy:

- Câu 1 dịch khá sát.

- Trong câu 2, bản dịch chưa dịch chữ "cô" (cô đơn, lẻ loi) trong "cô vân"; chữ "mạn mạn" dịch "trôi nhẹ" là chưa sát.

- Câu 3 dịch thơ chưa phù hợp: "Thiếu nữ" dịch là "Cô em" không hợp với cách nói của Bác; thừa chữ "tối" làm mất đi sự hàm súc của câu thơ (không cần nói tối mà vẫn biết trời đã vào đêm - qua hình ảnh lò than rực hồng).

- Câu 4 dịch tương đối thoát ý.

Câu 2

Phân tích bức tranh thiên nhiên và cảm xúc của nhà thơ trong hai câu thơ đầu.

* Bức tranh thiên nhiên:

- Thời gian: Chiều tối

- Không gian: Bầu trời mênh mông

-> Miêu tả từ xa, tầm nhìn bao quát, rộng lớn.

- Hình ảnh (nhân hoá), mang tính tượng trưng, ước lệ.

+ Quyện điểu: con chim mỏi

+ Cô vân: chòm mây cô đơn

+ Mạn mạn: chậm chậm, trôi nổi, lững lờ

=> Hai câu thơ đầu đã gợi tả cảnh chiều tối nơi xóm núi mênh mông, cô quạnh. Tâm hồn luôn hướng về đất nước Bác cố gắng đi hết con đường chuyển lao chờ ngày tự do hoạt động cách mạng. Đó chính là tinh thần thép của Bác.

Câu 3

Bức tranh đời sống được cảm nhận trong hai câu sau:

   Nếu như trong hai câu thơ đầu, cảnh vật mang nhiều tính ước lệ cổ điển thì hình ảnh ở trong hai câu thơ cuối lại được gợi tả một cách cụ thể, sinh động như một bức tranh hiện thực.

- “Cô em…xay ngô”: Cảnh con người lao động đời thường bình dị quen thuộc.

- “Ma bao túc…Bao túc ma hoàn” (lặp): lao động liên tục

- “Lò than…rực hồng”: ấm cúng và hạnh phúc, trong đó “hồng” là điểm sáng thẫm mĩ, là nhãn tự của bài thơ

- Ý nghĩa:

  + Gợi cuộc sống sum vầy, ấm áp, làm vợi đi ít nhiều nỗi đau khổ của người đi đày

  + Sự luân chuyển về thời gian: buổi chiều kết thúc, thời gian chuyển sang đêm tối nhưng là đêm tối ấm áp, bừng sáng.

  + Sự vận động từ nỗi buồn đến niềm vui, từ bóng tối đến ánh sáng.

  + Niềm tin, niềm lạc quan.

  => Hai câu cuối tạo nên một nhịp điệu đều và khoẻ khoắn, đó là do sự vắt dòng giữa cụm từ "ma bao túc" ở câu 3 với "bao túc ma hoàn" ở câu 4.

   Sự nối âm liên hoàn, nhịp nhàng như diễn tả cái vòng quay không dứt của động tác xay ngô - qua đó có thể thấy cô gái thật chăm chỉ, cần mẫn với công việc của mình.

Câu 4

Nhận xét về nghệ thuật tả cảnh và sử dụng ngôn ngữ trong bài thơ.

- Nghệ thuật tả cảnh trong bài thơ vừa có những nét cổ điển (bút pháp chấm phá, ước lệ với những thi liệu cũ) vừa có nét hiện đại (bút pháp tả thực sinh động với những hình ảnh dân dã, đời thường). Bài thơ chủ yếu là gợi tả chứ không phải là miêu tả, vì thế mà có thể cảm nhận tính chất hàm súc của thơ rất cao.

- Ngôn ngữ trong bài thơ được sử dụng rất linh hoạt và sáng tạo. Một số từ ngữ vừa gợi tả lại vừa gợi cảm (quyện điểu, cô vân). Biện pháp láy âm vắt dòng ở câu 3 và câu 4 tạo nhịp thơ khỏe khoắn. Ngoài ra, bài thơ có những chữ rất quan trọng, có thể làm "sáng" lên cả bài thơ, ví như chữ "hồng" trong câu thơ cuối chẳng hạn.

LUYỆN TẬP

Câu 1

Nêu cảm nghĩ của anh (chị) về sự vận động của cảnh vật và tâm trạng nhà thơ trong bài Chiều tối.

Trả lời:

   Cảnh chiều tối, như trên đã nói, thật buồn. Song nó vẫn có điểm sáng gợi một chút tươi vui. Có thể nói trong bức tranh chiều tối này, nổi bật lên một màu rực rỡ, ấy là ánh sáng hồng của lò than soi tỏ hình ảnh một cô gái xóm núi đang xay ngô để chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Bản nguyên tác không nói tối mà người đọc vẫn cảm nhận được trời đang chuyển vào đêm, ấy chính là nhờ sự xuất hiện của hình ảnh lò than rực hồng. Lò than tỏa ánh sáng cho cả bài thơ. Nó không thực sự gợi ra niềm vui, nhưng nó gợi ra hơi ấm và một chút nào đó niềm tin.

   Theo lẽ thường, tâm trạng của một người ở vào hoàn cảnh của tác giả thật không thể vui. Thực tế cho thấy, ở hai câu đầu của bài thơ, tâm trạng của nhà thơ cũng vậy - cảnh buồn và lòng người cũng không vui. Vui sao được khi đang phải chịu cảnh tù đày oan ức nơi quê người đất khách. Thế nhưng ở hai câu thơ sau, ánh sáng và niềm vui của con người bỗng hiện lên qua ánh lửa hồng. Cái mệt mỏi, cô quạnh dường như cũng vơi đi. Thế mới biết, ở Bác, niềm vui nỗi buồn luôn gắn liền với cái vui, cái buồn của nhân loại. Thế mới biết, một phần lẽ sống đáng quý của Người, ấy là sự lạc quan.

Câu 2

Trong bài thơ, hình ảnh nào thể hiện tập trung vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh?

Trả lời:

   Trong Chiều tối, có thể xem, hình ảnh đẹp nhất, thể hiện tập trung vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh là hình ảnh cô gái xay ngô tối và bếp lửa hồng (Xem lại phần phân tích ở trên). Trung tâm bài thơ chính là con người lao động và ngọn lửa của sự sống.

Câu 3

Trong bài Đọc thơ Bác, Hoàng Trung Thông viết:

Vần thơ của Bác, vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.

Điều đó thể hiện trong bài thơ Chiều tối như thế nào?

Trả lời:

- Chất thép trong thơ Hồ Chí Minh (biểu hiện rõ nhất trong Nhật kí trong tù) ấy là cái dũng khí kiên cường, phong thái ung dung tự tại, lạc quan yêu đời.

- Chất tình là tình cảm dào dạt với thiên nhiên, cuộc sống, con người.

- Bài thơ Chiều tối, trước hết là một bài thơ giàu cảm hứng về vẻ đẹp của thiên nhiên. Thiên nhiên được cảm thụ theo một quan điểm riêng và thể hiện theo một bút pháp riêng. Nhà thơ không coi trọng việc vẽ lại hình xác của cảnh vật mà chỉ muốn ghi lại cái linh hồn của tạo vật bằng những nét chấm phá. Thiên nhiên trong bài thơ là thiên nhiên đồng điệu với lòng người. Nó khắc sâu tình yêu quê hương, yêu cuộc sống và sự khao khát tự do.


Được cập nhật: 24 tháng 4 lúc 1:18:44 | Lượt xem: 460

Các bài học liên quan