Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Chí Phèo phần Tác giả

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 10 tháng 2 2020 lúc 14:53:46


Mục lục
* * * * *
Chí Phèo phần Tác giả

Câu 1

Những đặc điểm về tiểu sử và con người nhà văn Nam Cao giúp ta hiểu thêm về sự nghiệp văn học của ông:

1. Tiểu sử

- Nam Cao (1917 – 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở Lí Nhân, Hà Nam. Đây là miền quê nghèo khó nên ông đã sớm tiếp xúc và đồng cảm với số phận và sự cơ cực của người nghèo khổ, đặc biệt là người nông dân.

- Cuộc đời có nhiều biến động:

+ Ông học hết bậc Thành chung rồi vào Sài Gòn kiếm sống nhưng hay ốm đau nên trở về quê làm “giáo khổ trường tư”.

+ Do chiến tranh, trường đóng cửa, Nam Cao phải sống chật vật bằng nghề viết văn và làm gia sư.

+ Ông tham gia Cách mạng, làm công tác báo chí, tuyên truyền phục vụ kháng chiến.

+ Trên đường công tác trong chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950, Nam Cao bị giặc bắt và sát hại.

=> Nam Cao viết nhiều, viết hay về người nông dân và nông thôn Việt Nam đặc biệt là về cái đói nghèo, miếng ăn… Và ông cũng thấm thía tình cảnh khốn cùng của người trí thức tiểu tư sản, cuộc đời của những “giáo khổ trường tư” mà ông đã từng trải.

2. Con người

- Nhìn bề ngoài, Nam Cao có vẻ lạnh lùng, vụng về, ít nói nhưng đời sống nội tâm lại vô cùng phong phú. => Ông trăn trở nhiều về cuộc sống, chiêm nghiệm và triết lí. Khi viết về người trí thức nghèo, ông luôn gắn liền với cuộc đấu tranh âm thầm mà quyết liệt.

- Nam Cao có tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương. => Quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh đã khiến cho sáng tác của Nam Cao có tính nhân đạo sâu sắc. Vì vậy, Nam Cao rất trân trọng và luôn tìm thấy những vẻ đẹp trong tâm hồn những con người nghèo khổ bị áp bức, khinh miệt.

Câu 2

Những nội dung chính trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao:

- Nam Cao đưa ra quan điểm sáng tác nghệ thuật vị nhân sinh: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng kêu thoát ra từ những kiếp lầm than”.

- Nam Cao đưa ra quan điểm về giá trị và sứ mệnh của tác phẩm nghệ thuật: “Tác phẩm giá trị phải vượt lên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài ngoài. Nó phải chứa đựng được cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”.

- Nam Cao đề cao sự sáng tạo và trách nhiệm của người nghệ sĩ: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm cho một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có.

- Nam Cao cũng đưa ra quan điểm “sống đã rồi hãy viết” và vấn đề “đôi mắt” của người nghệ sĩ.

Câu 3

Những trăn trở, day dứt của Nam Cao khi viết về người trí thức và người nông dân cùng khổ:

1. Khi viết về người trí thức:

- Nam Cao đã thấy được cả tấn bi kịch của những người trí thức: họ là những người có tư tưởng, hoài bão lớn, có tài năng và tâm huyết nhưng bị gánh nặng cơm áo và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt xô đẩy vào cảnh sống mòn, chết mòn về tinh thần.

- Nam Cao cũng phê phán xã hội ngột ngạt, phi nhân bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người.

- Nam Cao cũng phát hiện và thể hiện tấm lòng trân trọng ngợi ca với ước mơ, hoài bão của con người.

- Tác phẩm tiêu biểu: Giăng sáng, Đời thừa, Quên điều độ, Đôi mắt, Sống mòn,…

2. Khi viết về người nông dân:

- Nam Cao đã xây dựng được một bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam đói nghèo xơ xác, bần cùng những năm 1940 – 1945.

- Ông đặc biệt quan tâm tới số phận những người nông dân hiền lành nhưng thấp cổ bé họng, bị chà đạp, chịu số phận bi thảm.

- Nam Cao phản ánh tình trạng người nông dân bị tha hóa, lưu manh hóa để từ đó lên án xã hội bất công, phi nhân đã hủy hoại nhân tính con người.

- Nam Cao phát hiện và khẳng định phẩm chất lương thiện của họ, ngay cả khi họ bị xã hội vùi dập, tha hóa về cả nhân hình, nhân tính.

- Tác phẩm tiêu biểu: Chí Phèo, Lão Hạc, Lang Rận, Một bữa no, Một đám cưới, Tư cách mõ, Trẻ con không được ăn thịt chó,…

Câu 4

Những nét chính trong phong cách nghệ thuật Nam Cao:

- Nam Cao luôn hướng vào thế giới nội tâm con người. Ông có biệt tài diễn tả, phân tích diễn biến tâm lí nhân vật. Đặc biệt là hiện tượng lưỡng tính: mong manh giữa ranh giới giữa thiện – ác, giữa kiếp người – kiếp vật.

- Nam Cao cũng xây dựng được những đoạn đối thoại, độc thoại nội tâm chân thực sinh động.

- Giọng điệu vừa buồn thương chua chát, vừa dửng dưng lạnh lùng mà cũng đầy thương cảm, đằm thắm yêu thương.

- Ông khai thác những vấn đề nhỏ nhặt hàng ngày của đời sống nhưng lại đưa ra được những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn.


Được cập nhật: 11 tháng 4 lúc 22:37:52 | Lượt xem: 413

Các bài học liên quan