Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Cảm nhận về nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ hay nhất

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 30 tháng 10 2019 lúc 15:09:20


Tô Hoài là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc có vốn hiểu biết phong phú về con người và phong tục tập quán của nhiều vùng trên đất nước ta. Ông không chỉ tham gia hoạt động chính trị một cách sôi nổi trước Cách mạng tháng Tám mà sau Cách mạng ông còn tham gia nhiều hoạt động xã hội. Chính những hoạt động đó là cơ hội giúp cho nhà văn bắt rễ ngày càng sâu vào cuộc sống chiến đấu và lao động của nhân dân. Nhờ đó, Tô Hoài ngày càng đa dạng trong đề tài viết văn của mình và một trong những đề tài đem lại vinh quang cho sự nghiệp sáng tác của ông đó chính là đề tài miền núi. Thành công trong mảng đề tài này không thể không nhắc tới tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Đây là tác phẩm đặc sắc nhất trong ba tác phẩm của tập “Truyện Tây Bắc”. Và một trong sức hấp dẫn làm nên tác phẩm này chính là những chi tiết tươi nguyên sức sống trong đêm mùa đông giá rét ở Hồng Ngài thông qua hai lần miêu tả nhân vật Mị: “Lúc đầu thấy A Phủ bị trói vào cột, “Mị vẫn thản nhiên ngồi thổi lửa hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi”. Nhưng sau đó, nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ, Mị lại động lòng thương. Lòng thương người đã đưa Mị đến hành động quyết liệt: cởi trói cho A Phủ”. Đây chính là quá trình tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm.

    Từ sau đêm tình mùa xuân nghiệt ngã ấy, Mị lại quay trở lại cuộc sống cam chịu vô hồn, vô cảm và dường như mối quan tâm giao cảm với cuộc sống của Mị lại tiếp tục thu hẹp qua ô vuông cửa sổ bằng bàn tay và cứ thế tiếp diễn chưa biết đến khi nào nếu như không có sự xuất hiện của A Phủ.

    Cũng giống như Mị, A Phủ là hiện thân của đau khổ, là một nông nô miền núi, là người ở và bị tước đoạt mọi quyền ở nhà thống lí Pá Trá. A Phủ chính là hiện thân mọi sự đau khổ cơ cực của người lao động nghèo miền núi. Ngày ngày, anh phải làm những công việc nặng nhọc như “đốt rừng, cày nương, cuốc đất, săn bò tót, bẫy hổ, chăn ngựa quanh năm một thân một mình buôn ba rong ruổi ngoài gò ngoài rừng”. Nhưng số phận đau khổ của A Phủ chưa dừng lại ở đó, vì mải bẫy nhím, A Phủ để hổ bắt mất bò, A Phủ đã bị thống lí Pá Trá bắt đứng trói vào cột giữa những ngày Hồng Ngài rét buốt có sương muối và bị bỏ đói bỏ khát. Chính nỗi bất hạnh của A Phủ, chính sự độc ác của cha con Pá Tra đã làm thức dậy sự phản kháng mạnh mẽ và đầy táo bạo ở người con gái Tây Bắc tên Mị.

    Đêm mùa đông trên núi cao thường dài, buồn và lạnh. Nếu như không có bếp lửa kia làm bạn có lẽ Mị sẽ buồn đến chết mất. Dù sao trong vô vọng Mị vẫn có ngọn lửa chập chờn níu kéo để sự vô vọng ấy không bị lùa đến tuyệt vọng. Mỗi đêm, Mị ngồi dậy sưởi lửa hơ tay không biết bao nhiêu lần, A Sử đi chơi về thấy Mị ngồi sưởi lửa, hắn đánh Mị, Mị mặc kệ. Hôm sau Mị lại ngồi thổi lửa hơ tay, hơ lưng, biểu hiện ấy phải chăng là biểu hiện của một người đã chai lì với cuộc sống. Cho nên tâm trạng thờ ơ, nguội lạnh, băng giá trước cảnh A Phủ bị trói đã hai đêm là điều không có gì lạ. Điều này được thể hiện qua hành động và suy nghĩ của Mị, Tô Hoài đã miêu tả hành động: “thản nhiên thổi lửa, hơ tay” một cách dửng dưng ở Mị, đâu chỉ có vậy suy nghĩ của Mị cũng trở nên vô cảm trước thực tại đau khổ của A Phủ: “Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Phản ứng này của Mị cũng là điều hiển nhiên bởi lẽ cảnh trói người đến chết như thế ở nhà thống lí Pá Tra là chuyện hết sức bình thường và chính Mị cũng là nạn nhân khi bị A Sử trói vào cột trong đêm tình mùa xuân. Hơn nữa ở lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi nên cái khổ của người khác cũng thế mà thôi. Nghĩa là Mị vô cảm, không cảm nhận được nỗi đau của chính mình vì thế Mị cũng không cảm nhận được nỗi đau của người khác. Đến đây, tôi bỗng nhớ đến những suy nghĩ của ông giáo về vợ mình trong tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất”. Phải chăng đây là tâm lí thông thường ở con người mà Nam Cao và Tô Hoài đã có cái nhìn chung, đã có sự gặp gỡ trong việc phát hiện tâm lí của con người đặc biệt là người phụ nữ bị chai lì, bào mòn bởi cuộc sống khổ đau này.

    Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì Mị cũng sẽ giống như những người phụ nữ bị buồn đau ích kỉ che lấp, trở nên vô hồn vô cảm nhưng không một lần nữa khát vọng tự do lại trỗi dậy trong lòng Mị mà đầu mối tạo nên sự đột biến trong diễn biến tâm hồn Mị đó là một đêm khuya nữa Mị trở dậy, ngọn lửa bùng sáng lên cùng lúc, “Mị hé mắt trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Đây chính là tài năng trác tuyệt của Tô Hoài khi miêu tả tâm lí nhân vật người phụ nữ Tây Bắc. Chính dòng nước mắt của người đàn ông vốn mạnh mẽ nhưng đang ở trong tư thế bất lực và tuyệt vọng như một lời kêu cứu kia đã làm thức dậy trong cõi lòng Mị cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

    Lúc đầu Mị chưa thương A Phủ ngay nghĩa là nhà văn phản ánh đúng diễn biến tâm lí nhân vật mà Mị chợt nhớ lại năm trước Mị cũng bị trói đứng như thế nước mắt chảy xuống không lau được tức là thương mình, nghĩ đến mình trước tiên, sau đó nhớ về người đàn bà đời trước cũng bị trói cho đến chết và từ đó, Mị cũng thấy được sự bất lực của A Phủ lúc này nghĩa là Mị từ thương mình chuyển sang thương người, đồng cảm với người có chung số phận với mình. Mị độc thoại, xâu chuỗi các sự việc để rồi nhận ra bản chất độc ác của cha con Pá Tra rồi Mị nhận ra cái vô lí ở nhà Pá Trá: ‘Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ… Mị phảng phất nghĩ như vậy.”

    Từ việc thương mình đến thương người, Mị đã đi đến hành động nổi loạn quyết định cởi trói cho A Phủ. Tuy nhiên, trước khi thực hiện hành động, Mị phảng phất nghĩ nếu cha con Pá Tra biết hay không biết thì Mị vẫn bị trói thế vào chỗ A Phủ, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ. Đó chính là lòng thương người bên trong tâm hồn Mị để rồi đi đến quyết định rút dao cắt trói cho A Phủ trong tâm trạng hoảng hốt và chỉ thì thào một tiếng “Đi ngay”, rồi Mị lại nghẹn lại. Thế rồi tiếng nói của khát vọng mong muốn được giải phóng của Mị trỗi dậy và cô quyết định đi theo A Phủ. Có thể nói hành động cắt trói cho A Phủ cũng chính là hành động cắt đứt để đoạn tuyệt với quá khứ, đoạn tuyệt với đau khổ ở nhân vật Mị. Hành động đó đã nói lên sức mạnh tình thương người đã chiến thắng, đó chính là hành động tháo cũi sổ lồng để “thoát khỏi thung lũng đau thương để đến với cánh đồng vui” (Chế Lan Viên).

    Qua hành động táo bạo cởi trói cho A Phủ của nhân vật Mị, truyện muốn khẳng định niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mạnh mẽ và khát khao hạnh phúc cháy bỏng của con người. Đồng thời cũng lên án tố cáo những thế lực chà đạp lên quyền sống của họ để từ đó không chỉ thấy được sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn Tô Hoài với những số phận nghèo khổ của người lao động Tây Bắc mà còn cho thấy thông điệp của hành động nổi loạn ở Mị, đó là những con người lao động miền núi nói riêng và số phận của những con người khốn khổ nói chung muốn tự do chỉ có con đường duy nhất là phải đấu tranh tự giải thoát những bất công, đứng lên làm chủ vận mệnh của chính mình.

    Tóm lại qua hai lần miêu tả nhân vật Mị cùng với những hành động suy nghĩ dồn dập như bão tố đến với Mị trong đêm mùa đông giá rét ở Hồng Ngài đã cho thấy giá trị nhân đạo được thể hiện sâu sắc qua những trang viết của Tô Hoài. Đồng thời thấy được nghệ thuật miêu tả độc đáo qua diễn biến tâm lí nhân vật Mị, khả năng quan sát tinh tế, tỉ mỉ đặc biệt là thấy được niềm tin bất diệt vào tâm hồn con người của nhà văn.

Nguồn: vietjack

Các bài học liên quan