Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Bài tập tự luận trang 111, 112 SBT Sinh học 9

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 5 tháng 11 2019 lúc 14:18:29


Mục lục
* * * * *

Bài 1 trang 111 SBT Sinh học 9

Con người có vai trò như thế nào trong việc bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên ?

Lời giải:

- Từ khi xuất hiện trên Trái Đất và cho đến nay, nhiều hoạt động của con người đã và đang ảnh hưởng xấu đến môi trường : gây ô nhiễm môi trường và làm suy thoái môi trường. Điều đó đã ảnh hưởng đến chính cuộc sống của con người và con người đã nhận biết rất rõ ràng điều này.

Ngày nay, với sự hiểu biết ngày càng tăng con người đã và đang nỗ lực chung tay, góp sức khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ và cải tạo môi trường. Điều này thể hiện vai trò của con người trong việc bảo vệ và cải tạo môi trường.

Ví dụ : con người có vai trò trong việc bảo vệ và cải tạo môi trường như :

+ Biết hạn chế phát triển dân số quá nhanh.

+ Biết khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

+ Biết bảo vệ các loài sinh vật để không làm suy giảm đa dạng sinh vật.

+ Biết trồng cây gây rừng, phục hồi và trồng rừng mới, bảo vệ rừng đầu nguồn và vốn rừng hiện có

+ Biết kiểm soát và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

+ Biết triển khai có hiệu quả các hoạt động khoa học tạo ra nhiều giống vật nuôi và cây trồng có năng suất cao, tìm ra các biện pháp xử lí tốt nhất và hiệu quả nhất các chất thải trong sản xuất cũng như các chất thải sinh hoạt.

+ Biết giáo dục và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người.

Bài 2 trang 111 SBT Sinh học 9

Mục đích và nguyên tắc của các biện pháp bảo vệ môi trường là gì ?

Lời giải:

- Mục đích bảo vệ môi trường là để phát triển bền vững - là sự phát triển nhằm thoả mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng đến kha năng thoả mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai. Tất cả đều phải hướng tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, đảm bảo sự phát triển bền vững của các hệ sinh thái và bảo vệ môi trường trong sạch.

- Nguyên tắc của các biện pháp bảo vệ môi trường :

+ Giảm thiểu sự khánh kiệt các tài nguyên tái sinh và không tái sinh cho sự khai thác lâu dài, tương tự như vật ăn thịt không thể khai thác triệt để được con mồi của nó.

+ Bảo tồn sự đa dạng sinh học trên cơ sở quản lí và sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì các hệ sinh thái, đảm bảo cuộc sống lâu dài của cộng đồng.

Bài 3 trang 111 SBT Sinh học 9

Trong thời kì nguyên thuỷ, khi con người biết dùng lửa đã tác động tới môi trường như thế nào ?

Lời giải:

Trong thời kì nguyên thuỷ, con người khi biết dùng lửa để làm chín thức ăn và sưởi ấm, đặc biệt dùng lửa để săn bắt muông thú đã gây nên hậu quả là nhiều khu rừng nguyên sinh rộng lớn ở châu Phi, châu Á, châu Mĩ đã bị cháy trụi, không có khả năng tái sinh (những savan rộng lớn ở Đông Phi và những đồng cỏ ở Bắc Mĩ hiện là hậu quả của việc cháy rừng thời kì nguyên thuỷ), làm giảm số lượng loài sinh vật trên Trái Đất.

Bài 4 trang 111 SBT Sinh học 9

Trong xã hội nông nghiệp, khi con người biết chăn nuôi, trồng trọt đã tác động tới môi trường như thế nào ?

Lời giải:

Trong xã hội nông nghiệp, con người đã biết trồng trọt và chăn nuôi. Họ trồng ngũ cốc, đỗ, lạc vừng, một số cây ăn quả, các loại rau..., họ chăn nuôi một số gia súc, chủ yếu là chó, dê, cừu, bò...

Nền nông nghiệp phát triển đã đem lại một lượng lương thực, thực phẩm dồi dào hơn thời kì nguyên thuỷ và đồng hành với điều đó là dân số gia tăng.

- Sự phát triển này đã :

+ Dẫn con người tới viêc chặt phá rừng, đốt rừng để lấy đất canh tác và chăn thả gia súc. Một số rừng nguyên sinh và nhiều diện tích rừng bị biến thành đất trồng trọt và bãi chăn thả gia súc. Diện tích rừng bị thu hẹp không ít.

+ Hoạt động cày xới đất trồng trọt đã làm thay đổi đất và nước tầng mặt, gây ra nhiều vùng đất bị khô cằn và suy giảm độ màu mỡ.

+ Cùng với sự phát triển chăn nuôi và trồng trọt, con người đã sống định cư và do đó nhiều diện tích rừng bị biến thành các khu dân cư và khu sản xuất nông nghiệp.

Tuy vậy, ở thời kì này, tác động của con người vào tự nhiên còn yếu so với thời kì sau.

Bài 5 trang 111 SBT Sinh học 9

Những hậu quả nghiêm trọng mà con người tác động vào môi trường tự nhiên trong xã hội công nghiệp là gì ?

Lời giải:

Thời đại văn minh công nghiệp được bằt đầu vào đầu thế kỉ XVIII với việc chế tạo ra máy hơi nước và các phát minh khoa học khác đã tạo điều kiện cho sự phát triển .nền công nghiệp hiện đại và đẩy nhanh tốc độ quá trình đô thị hoá, tăng nhanh dân số.

- Trong thời kì này : nền nông nghiệp cơ giới hoá đã tạo ra những vùng đất trồng trọt rộng lớn ; công nghiệp khai khoáng phát triển cũng lấy đi nhiều đất đai, nhiều cánh rừng bị chặt phá và gây nên ô nhiễm môi trường ; công nghiệp phát triển đã đòi hỏi cung cấp nhiều nguyên - nhiên liệu và chất thải công nghiệp gia tăng ; đồng thời quá trình đô thị hoá đã lấy đi nhiêu diện tích rừng và đất trồng trọt, chất thải sinh hoạt cũng gia tăng... Tất cả sự kiện trên đã dẫn tới hậu quả : suy giảm hệ sinh thái rừng và tài nguyên sinh vật, gây ô nhiêm môi trường và làm mất cân bằng sinh thái, gây ra xói mòn và thoái hoá đất, hạn hán, lũ lụt... Điều đó đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của chính con người.

Bài 6 trang 112 SBT Sinh học 9

Ô nhiễm môi trường là gì ? Nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường là gì?

Lời giải:

- Ô nhiễm môi trường, là hiện tượng môi trường tự nhiên bị bẩn, đồng thời các tính chất vật lí, hoá học, sinh học của môi trường bị thay đổi, gây tác hại tới đời sống con người và các sinh vật khác.

- Nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường là chính hoạt động của con người gây ra trong lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, con người đã và đang nỗ lực bảo vệ và cải tạo môi trường sống của mình ; con người hoàn toàn có khả năng hạn chế ô nhiễm môi trường.

Bài 7 trang 112 SBT Sinh học 9

Trồng cây, gây rừng có tác dụng gì trong việc bảo vệ môi trường ?

Lời giải:

Trồng cây, gây rừng là một biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường vì:

- Làm trong sạch không khí khi cây lấy khí C02 và thải khí 02 ra khí quyển trong quá trình quang hợp của lá cây ; đồng thời cây còn có tác dụng cản bụi và gió, làm mát không khí nhờ quá trình bốc hơi trước, điều hoà khí hậu...

- Do phá hoại rừng nên tạo ra nhiều vùng đất trống, đồi trọc. Khi đó, gây ra những hiện tượng sụt lở, xói mòn đất, lũ lụt, hạn hán, mất nguồn nước ngầm... Trồng cây, gây rừng trên những vùng đất trống, đồi trọc sẽ hạn chế các hiện tượng bất lợi này để bảo vệ môi trường.

Góp phần khôi phục các hộ sinh thái, khôi phục thảm thực vật đã bị phá huỷ, tái tạo sự cân bằng sinh thái, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững.

Bài 8 trang 112 SBT Sinh học 9

Hậu quả của việc chặt phá rừng bừa bãi và cháy rừng là gì ?

Lời giải:

Việc chặt phá rừng bừa bãi và cháy rừng gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng sau đây :

- Làm diện tích rừng bị thu hẹp, cây rừng mất đi gây xói mòn đất.

- Nước mưa trên mặt đất không bị cản bởi không có cây rừng nên dễ gây ra lũ lụt, nhất là lũ quét thiệt hại đến tính mạng con người, tài sản bị cuốn trôi và gây ô nhiễm môi trường.

- Cũng do bị mất cây rừng mà lượng nước thấm xuống các tầng đất bị giảm sút làm giảm lượng nước ngầm.

- Mất rừng dẫn tới khả năng điều hoà khí hậu không tốt, khí hậu thay đổi, lượng mưa giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất nông nghiệp.

- Mất nhiều loài sinh vật, mất nơi ở của các loài sinh vật, dẫn tới giảm đa dạng sinh học, dễ gây mất cân bằng sinh thái...

Bài 9 trang 112 SBT Sinh học 9

Hãy nêu một số hoạt động của con người gây những hậu quả phá huỷ môi trường tự nhiên và nêu những hậu quả đó.

Lời giải:

- Những hoạt động của con người gây hậu quả phá huỷ môi trường tự nhiên :

+ Hái lượm

+ Săn bắt động vật hoang dã

+ Đốt rừng lấy đất trồng trọt, chặt cây rừng lấy gỗ

+ Chăn thả gia súc

+ Khai thác khoáng sản

+ Phát triển nhiều khu dân cư, khu công nghiệp...

+ Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt hằng ngày

+ Chiến tranh

+ ...

- Những hậu quả gây ra .

+ Cháy rừng, hạn hán, lũ lụt

+ Mất nhiều loài sinh vật, mất nơi ở của sinh vật

+ Xói mòn và thoái hoá đất

+ Ô nhiễm môi trường

+ Mất cân bằng sinh thái

+ ...

Như vậy, có thể nói, hoạt động của con người là nguyên nhân chính gây ra hậu quả phá huỷ môi trường tự nhiên.

Bài 10 trang 112 SBT Sinh học 9

Vì sao con người phải có trách nhiệm bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên ?

Lời giải:

Môi trường tự nhiên chính là môi trường sống của con người. Môi trường tự nhiên bị suy giảm sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của con người.

Bài 11 trang 112 SBT Sinh học 9

Vai trò của thảm thực vật trong tự nhiên là gì ?

Lời giải:

Trong tự nhiên, thảm thực vật được coi là lá phổi sống của hành tinh chúng ta vì thảm thực vật có vai trò .

- Điều hoà khí hậu và lượng mưa, làm trong sạch không khí.

- Chống xói mòn, sạt lở đất, duy trì nước ngầm, chống hạn hán và lũ lụt.

- Cung cấp thức ăn, chỗ ở cho động vật.

- Điều hoà lượng ôxi trong khí quyển.


Được cập nhật: 25 tháng 3 lúc 6:01:56 | Lượt xem: 436