Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Bài tập tự luận: Sinh trưởng ở thực vật (phần 2)

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 15 tháng 5 2020 lúc 14:54:40


Câu 1: Gibêrelin được sinh ra chủ yếu từ đâu và có tác dụng sinh lý như thế nào ?

Trả lời :

   - Nguồn gốc : Gibêrelin được sinh ra chủ yếu từ lục lạp, phôi hạt và chóp rễ.

   - Tác dụng sinh lí : Gibêrelin làm tăng sự phân chia tế bào và thúc đẩy sự sinh trưởng dãn dài của mỗi tế bào, kích thích hạt nảy mầm và sự phân giải tinh bột, góp phần làm tăng chiều cao cây và tạo quả không hạt.

Câu 2: Cây cà chua ra hoa khi nào và dựa vào đâu để xác định tuổi của thực vật một năm ?

Trả lời :

    Cây cà chua ra hoa khi phát sinh đủ 14 lá và tuổi của cây một năm được tính theo số lá.

Câu 3: Khi ở điều kiện quang chu kì thích hợp, cơ chế nào giúp cây chuyển từ trạng thái sinh dưỡng sang trạng thái ra hoa ?

Trả lời :

    Khi ở điều kiện quang chu kì thích hợp thì trong lá cây hình thành nên hoocmôn ra hoa (là một hợp chất bao gồm gibêrelin giúp kích thích sinh trưởng của đế hoa và antezin là chất giả thiết có vai trò kích thích sự ra mầm hoa). Sau khi hình thành, hoocmôn ra hoa sẽ được vận chuyển từ lá vào đỉnh sinh trưởng của thân, cành và kích thích ra hoa ở những vị trí này.

Câu 4: Em hiểu như thế nào là xuân hóa ?

Trả lời :

    Ở một số loài cây mùa đông, chúng chỉ ra hoa sau khi đã trải qua một mùa đông giá lạnh tự nhiên hoặc được xử lí nhiệt độ thấp thích hợp. Người ta gọi hiện tượng này là xuân hóa (sự ra hoa phụ thuộc vào nhiệt độ thấp).

Câu 5: Quang chu kì là gì ? Dựa vào quang chu kì, thực vật được phân loại như thế nào ?

Trả lời :

   - Quang chu kì là thời gian chiếu sáng xen kẽ với bóng tối ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của cây.

   - Dựa vào ảnh hưởng của quang chu kì đến đời sống thực vật, người ta phân chia thực vật thành 3 nhóm chính :

     + Cây trung tính : ra hoa không phụ thuộc vào quag chu kì. Ví dụ : hướng dương, lạc, cà chua…

     + Cây ngày ngắn : ra hoa trong điều kiện chiếu sáng ít hơn 12 giờ. Ví dụ : đậu tương, vừng, thược dược, mía…

     + Cây ngày dài : ra hoa trong điều kiện chiếu sáng nhiều hơn 12 giờ. Ví dụ : củ cải đường, thanh long, lúa mì,…

Câu 6: Phitôcrôm có ý nghĩa như thế nào đối với sự ra hoa của thực vật hạt kín ?

Trả lời :

   Phitôcrôm là sắc tố cảm nhận quang chu kì nên nó ảnh hưởng đến sự ra hoa của thực vật hạt kín thông qua quang chu kì. Cụ thể là :

   + Ánh sáng đỏ (có bước sóng 660 nm) ức chế sự ra hoa của cây ngày ngắn nhưng kích thích sự ra hoa của cây ngày dài.

   + Ánh sáng đỏ xa (có bước sóng 730 nm) ức chế sự ra hoa của cây ngày dài nhưng kích thích sự ra hoa của cây ngày ngắn.


Được cập nhật: 16 tháng 4 lúc 11:46:00 | Lượt xem: 611