Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Bài tập tự luận: Sinh trưởng ở động vật (phần 1)

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 15 tháng 5 2020 lúc 15:15:57


Câu 1: Sự khác nhau cơ bản giữa phát triển qua biến thái và không qua biến thái là gì ?

Trả lời :

    Ở phát triển không qua biến thái, con non có các đặc điểm hình thái, cấu tạo và sinh lí gần giống với con trưởng thành và để phát triển thành con trưởng thành thì chúng không phải trải qua giai đoạn lột xác. Ngược lại, ở phát triển qua biến thái thì so với con trưởng thành, con non mang nhiều đặc điểm sai khác hơn và để bước sang giai đoạn trưởng thành, chúng phải trải qua nhiều lần lột xác.

Câu 2: Tại sao sâu bướm phá hoại cây cối, mùa màng rất ghê gớm, trong khi đó bướm trưởng thành lại thường không gây hại cho cây trồng ?

Trả lời :

    Thức ăn chủ yếu của sâu bướm là lá cây nhưng vì không có enzim tiêu hoá xenlulôzơ nên hiệu quả tiêu hoá và hấp thụ thức ăn rất thấp. Bù lại điều này, sâu phải ăn rất nhiều lá cây mới đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, bởi vậy, chúng được xem là vật gây hại trên đồng ruộng. Trong khi đó, hầu hết các loài bướm chỉ ăn mật hoa nên không phá hoại cây trồng mà còn giúp cây trồng thụ phấn.

Câu 3: Sự biến thái ở bướm có ý nghĩa thích nghi như thế nào ?

Trả lời :

    Vào mùa xuân hè, khi thời tiết ấm áp, cây cối đâm chồi, nảy lộc, lá non mơn mởn cũng là lúc các loài sâu bướm phát triển rộ để tận dụng nguồn thức ăn này. Sang tiết thu đông sâu bướm lại kết kén, hoá nhộng để né tránh điều kiện thời tiết khắc nghiệt, vừa để tập trung chất dinh dưỡng, chuẩn bị cho sự “cựa mình”, biến đổi thành bướm trưởng thành. Ở giai đoạn bướm trưởng thành, dạng sống này lại tìm đến thân cây hút nhựa hay các bông hoa để hút mật. Như vậy trong quá trình tiến hoá, vòng đời của bướm đã thuận hoá với quy luật chuyển mùa của tự nhiên. Điều này giúp chúng tận dụng được nguồn sống, giảm thiểu rủi ro, nhờ đó mà ngày càng thích nghi với những thay đổi thường xuyên của điều kiện ngoại cảnh.

Câu 4: Tại sao khi nuôi cá rô phi, người ta thường thu hoạch cá sau một năm, khi cá đạt khối lượng 1,5 – 1,8 kg mà không nuôi kéo dài tới năm thứ hai để có sản lượng cao hơn ?

Trả lời :

    Cá rô phi chỉ nên thu hoạch sau một năm, khi khối lượng của mỗi cá thể đạt 1,5 – 1,8 kg vì đây là thời điểm cá rô phi chạm ngưỡng tối đa về tốc độ sinh trưởng. Sau giai đoạn này, tốc độ sinh trưởng của cá sẽ giảm xuống nên nếu tiếp tục nuôi sang năm thứ hai, mặc dù cho năng suất cao hơn nhưng so với việc bị thâm hụt do chi phí cho thức ăn, công chăm sóc…. thì hiệu quả kinh tế mà nó mang lại vẫn thấp hơn hẳn.

Câu 5: Quá trình phát triển ở ếch bao gồm những giai đoạn nào ? Nêu đặc điểm của mỗi giai đoạn.

Trả lời :

    Cũng như các loài động vật khác, quá trình phát triển ở ếch trải qua hai giai đoạn : phôi và hậu phôi. Trong giai đoạn phôi, từ trứng sau thụ tinh sẽ phân chia và phân cắt cho phôi nang, phôi vị gồm 3 lá phôi rồi từ các lá phôi phát sinh nên các mầm cơ quan. Trong giai đoạn hậu phôi, trứng nở ra nòng nọc sống tự do trong môi trường nước, sau đó trải qua biến thái, nòng nọc đứt đuôi và phát triển thành ếch.

Câu 6: Tại sao trong thức ăn và nước uống thiếu iôt thì trẻ em sẽ chậm lớn (hoặc ngừng lớn), chịu lạnh kém, não ít nếp nhăn và trí tuệ kém phát triển ?

Trả lời :

    Iôt là một trong những thành phần cơ bản cấu tạo nên tirôxin. Do đó, thiếu iôt sẽ dẫn đến thiếu tirôxin. Thiếu tirôxin sẽ làm giảm quá trình chuyển hoá vật chất và giảm sinh nhiệt ở tế bào nên động vật và người sẽ chịu lạnh kém. Mặt khác, thiếu tirôxin còn làm giảm quá trình phân chia và lớn lên bình thường của tế bào, hậu quả là trẻ em và động vật non sẽ bị chậm lớn hoặc ngừng lớn, não ít nếp nhăn, số lượng tế bào não giảm sút mạnh và trí tuệ kém phát triển.

Câu 7: Tại sao gà trống sau khi cắt bỏ tinh hoàn thì sẽ phát triển không bình thường : mào nhỏ, không có cựa, không biết gáy và mất bản năng sinh dục ?

Trả lời :

    Tinh hoàn là nơi tiết ra testostêrôn – hoocmôn kích thích phân hoá tế bào để hình thành các đặc điểm sinh dục sơ cấp và thứ cấp ở con đực. Ở gà trống, đó là các đặc điểm như mào, cựa, tiếng gáy, bản năng “đạp mái”,…. Do đó khi cắt bỏ tinh hoàn thì sẽ dẫn đến sự thiếu hụt hoocmôn này, kết quả là gà trống xuất hiện những đặc điểm không bình thường như : mào nhỏ, không có cựa, không biết gáy và mất bản năng sinh dục…

Câu 8: Em hãy cho biết nguyên nhân và cơ chế làm phát sinh hiện tượng người bé nhỏ, người khổng lồ.

Trả lời :

   - Người bé nhỏ là hậu quả do tuyến yên tiết quá ít hoocmôn sinh trưởng (GH) vào giai đoạn trẻ em còn người khổng lồ là hậu quả do tuyến yên tiết ra quá nhiều hoocmôn sinh trưởng vào giai đoạn trẻ em.

   - Nếu hoocmôn sinh trưởng tiết ra ít hơn bình thường vào giai đoạn trẻ em thì sẽ làm giảm phân chia tế bào, giảm số lượng và kích thước tế bào, đặc biệt là tế bào xương. Kết quả là trẻ chậm lớn hoặc ngừng lớn (người bé nhỏ). Ngược lại, nếu hoocmôn này được tiết quá nhiều vào giai đoạn trẻ em sẽ dẫn đến tăng cường quá trình phân chia tế bào, tăng số lượng và kích thước tế bào, đặc biệt là tế bào xương. Kết quả là cơ thể phát triển quá mức và trở thành người khổng lồ.

Câu 9: Em hãy trình bày ảnh hưởng và mối tương quan giữa hai hoocmôn juvenin và ecđixơn trong quá trình biến thái ở bướm.

Trả lời :

    Trong biến thái của bướm, sự có mặt đồng thời của juvenin và ecđixơn giúp kích thích quá trình lột xác ở sâu bướm. Nếu như ecđixơn vẫn duy trì ổn định về nồng độ thì juvenin lại ngược lại. Càng về cuối của quá trình lột xác, juvenin càng giảm dần nồng độ. Song song với quá trình này là tác dụng ức chế sâu hoá nhộng và biến đổi thành bướm của juvenin sẽ dần bị triệt tiêu, đồng thời tác dụng kích thích sâu biến thành nhộng và bướm của ecđixơn sẽ được giải phóng. Khi đó, dưới tác dụng của ecđixơn, sâu sẽ đi qua giai đoạn lột xác, hoá nhộng và sau đó biến đổi thành bướm trưởng thành.


Được cập nhật: 16 tháng 4 lúc 11:42:57 | Lượt xem: 827