Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Bài tập tự luận: Cảm ứng ở động vật (phần 2)

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 15 tháng 5 2020 lúc 13:49:18


Câu 1: Điện thế nghỉ là gì ?

Trả lời :

    Điện thế nghỉ là sự chênh lệch điện thế giữa hai bên màng tế bào khi tế bào không bị kích thích, phía bên trong màng mang điện âm so với bên ngoài mang điện dương.

Câu 2: Những yếu tố nào tham gia vào cơ chế hình thành điện thế nghỉ ?

Trả lời :

   Điện thế nghỉ hình thành chủ yếu là do các yếu tố sau :

   - Nồng độ ion kali bên trong màng cao hơn bên ngoài màng tế bào.

   - Các cổng kali mở nên các K+ ở sát màng tế bào đồng loạt đi từ trong ra ngoài và tập trung sát mặt ngoài màng làm cho mặt ngoài màng tích điện dương so với mặt trong màng tích điện âm.

   - Bơm Na – K vận chuyển ion K+ từ phía bên ngoài trả vào phía bên trong màng tế bào giúp duy trì nồng độ K+ bên trong tế bào cao hơn bên ngoài tế bào.

Câu 3: Tại sao xung thần kinh lan truyền trên sợi thần kinh có bao miêlin lại diễn ra theo cách nhảy cóc ?

Trả lời :

    Xung thần kinh lan truyền trên sợi thần kinh có bao miêlin theo cách nhảy cóc vì bao miêlin có tính chất cách điện nên quá trình khử cực và đảo cực không thể diễn ra tại những vị trí này mà chỉ có thể diễn ra ở các eo Ranvie (nơi không được bao bọc bởi miêlin).

Câu 4: Hãy so sánh sự lan truyền xung thần kinh trên sợi thần kinh có bao miêlin và không có bao miêlin.

Trả lời :

   - Giống nhau : Đều xảy ra sự mất phân cực, đảo cực, tái phân cực liên tiếp và xuất hiện luồng xung thần kinh lan truyền từ vùng này sang vùng khác.

   - Khác nhau : Xung thần kinh lan truyền trên sợi thần kinh không có bao miêlin diễn ra liên tiếp từ vùng này sang vùng khác kế bên còn xung thần kinh lan truyền trên sợi thần kinh có bao miêlin diễn ra theo cách nhảy cóc từ eo Ranvie này sang eo Ranvie khác nên tốc độ lan truyền nhanh hơn.

Câu 5: Tại sao xung thần kinh được dẫn truyền trong một cung phản xạ chỉ diễn ra theo một chiều ?

Trả lời :

    Trong một cung phản xạ, các nơron liên hệ với nhau qua xináp mà xináp chỉ cho xung thần kinh đi theo một chiều (vì chỉ có màng trước mới có chất trung gian hoá học và chỉ có màng sau mới có các thụ thể tiếp nhận chất trung gian hoá học) nên xung thần kinh được dẫn truyền trong cung phản xạ cũng chỉ diễn ra theo một chiều.

Câu 6: Tại sao người và động vật có vú lại có thể hình thành nên rất nhiều tập tính học được ?

Trả lời :

    Sự phát triển vượt bậc trong tổ chức thần kinh (đặc biệt là não bộ) của người và động vật có vú đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và rút kinh nghiệm ở những đối tượng này. Nhờ đó mà các tập tính học được ngày càng hoàn thiện và dần chiếm ưu thế so với tập tính bẩm sinh. Ngoài ra, người và động vật có vú còn có tuổi thọ dài hơn hầu hết các nhóm sinh vật dị dưỡng khác, đặc biệt là giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Điều này cho phép các sinh vật này thiết lập nên nhiều phản xạ có điều kiện (nền tảng của tập tính học được) và hoàn thiện các tập tính phức tạp để thích ứng với điều kiện sống luôn biến động.

Câu 7: Vì sao ở động vật có hệ thần kinh dạng lưới và hệ thần kinh dạng chuỗi hạch, hầu hết các tập tính của chúng là tập tính bẩm sinh ?

Trả lời :

    Động vật có hệ thần kinh dạng lưới và dạng chuỗi hạch có cấu tạo hệ thần kinh khá đơn giản, số lượng tế bào thần kinh không nhiều nên khả năng học tập, rút kinh nghiệm rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, tuổi thọ của chúng thường ngắn nên không có nhiều thời gian cho việc rèn luyện. Hai đặc điểm này là nguyên nhân cơ bản khiến cho hoạt động sống của những loài sinh vật này hầu như chỉ dừng lại ở những tập tính bẩm sinh.

Câu 8: Tập tính bảo vệ lãnh thổ có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống động vật ?

Trả lời :

    Ở động vật, bảo vệ lãnh thổ chính là động thái giúp bảo vệ nguồn thức ăn, nơi ở và sinh sản – những yếu tố thiết yếu đối với sự sinh tồn và duy trì giống nòi của một cá thể hoặc một nhóm cá thể. Ở phạm vi loài, bảo vệ lãnh thổ góp phần tạo ra sự phân bố hợp lí của các cá thể trong không gian, giúp loài tồn tại ổn định và phát triển hưng thịnh theo thời gian.

Câu 9: Tại sao chim và cá di cư ? Khi di cư, chúng định hướng bằng cách nào ?

Trả lời :

   - Nguyên nhân di cư của chim là do thời tiết thay đổi và khan hiếm thức ăn (Ví dụ : khi trời giá rét, chim én di cư về phương Nam). Nguyên nhân di cư của cá chủ yếu liên quan đến sinh sản (Ví dụ : vào mùa sinh sản, cá hồi bơi về đầu nguồn sông để sinh sản).

   - Khi di cư, chim thường định hướng dựa vào vị trí Mặt Trời, Mặt Trăng, địa hình,…. Khi di cư, cá thường định hướng dựa vào thành phần hoá học của nước và hướng dòng nước chảy.


Được cập nhật: 15 tháng 4 lúc 19:55:28 | Lượt xem: 840