Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Bài ca phong cảnh Hương Sơn

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 10 tháng 2 2020 lúc 10:56:49


Mục lục
* * * * *
Bài ca phong cảnh Hương Sơn

Câu 1

- Câu thơ “Bầu trời cảnh Bụt” được hiểu là câu thơ miêu tả cảnh đẹp của Hương Sơn, bầu trời Hương Sơn đẹp như cảnh trên cõi Bụt, một cảnh của tiên giới, thường đại diện cho sự bình yên và thanh tịnh.

- Câu thơ như một lời mời mọc người đọc hãy đến và cảm nhận về vẻ đẹp của Hương Sơn, câu thơ cũng là cảm hứng xuyên suốt về sự thanh tịnh và bình yên, không khí tâm linh nơi cõi Phật của Hương Sơn. Tâm hồn thi sĩ như bâng khuâng, bảng lảng trong tĩnh tại của tâm linh mà vẫn tỉnh táo lạ thường. Con người đến nơi này như rũ sạch mọi thứ phàm tục. Bốn câu thơ đầu tạo cảm xúc cho bài thơ hát nói.

- Không khí tâm linh của Hương Sơn được thể hiện qua các câu thơ:

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái

Lững lờ khe Yến cá nghe kinh

Vẳng bên tai một tiếng chày kình

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng

Câu 2

Cách cảm nhận phong cảnh thiên nhiên của người xưa:

Vẳng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.

- Chùa là nơi thanh tịnh, đây là nơi bình an, yên tĩnh để mọi người có thể thoát khỏi kiếp trần tục, quay trở về với cuộc sống bình an, không có chút sóng gió nào. Hình ảnh của tiếng chuông chùa làm văng vẳng bên tai những người khách khi đến đây, nó được thể hiện qua tiếng chày kình.

- Du khách từ thế giới đầy biến động ngoài kia vào đây dường như cũng bừng tỉnh ngộ, nghĩa là cũng nhập vào làm một với cảnh Bụt chốn này.

- Con người đi vào cảnh thảng thốt với tiếng chày kình. Tất cả đều cởi bỏ mọi phiền lụy của trần gian để hòa nhập vào cái không khí linh thiêng nơi chốn Phật này. Tại khoảnh khắc ấy, cả chim, cá và người đều dường như thoát tục. Cái sinh khí Hương Sơn vô hình là thế, vậy mà thi nhân đã thấy nó hiện hữu trong tất cả, hòa tan trong tất cả.

- Con người thoát khỏi kiếp trần tục, như đang vào một thế giới hoàn toàn khác, ở đó có thiên nhiên đẹp, có con người, có tiên, có bụt và có khung cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt mĩ, con người như thoát xác và đến một cảnh giới khác, đến một vùng đất đẹp.

=> Cách cảm nhận phong cảnh thiên nhiên của người xưa thể hiện sự chân thật và đầy cảm xúc. Khi con người đắm chìm trong cảnh sắc thanh tịnh ấy, tâm hồn cũng trở nên thanh tịnh, sau khi bỏ lại những tất bật, lo lắng, đua tranh ngoài xã hội, những vị khách trở về đây với mong muốn tìm kiếm sự tĩnh lặng trong tâm hồn, rũ khỏi mình những vướng bận hồng trần. Khi nghe tiếng chuông chùa, những con người ấy chợt được giác ngộ, như bừng tỉnh dậy sau cơn mê và biết được chân lí của cuộc sống, giật mình vì bản thân đã mải miết với cuộc sống bên ngoài mà đã lãng quên những giây phút cho tâm hồn.

Câu 3

Phân tích nghệ thuật tả cảnh của tác giả, đặc biệt chú ý đến việc tả không gian, màu sắc, âm thanh.

          Tác giả Chu Mạnh Trinh có lối tả cảnh đầy hấp dẫn và thu hút, cảnh đẹp Hương Sơn không cần miêu tả quá chi tiết mà vẫn hiện lên với vẻ đẹp của một thắng cảnh, cuốn hút người đọc và hình ảnh của Hương Sơn bằng nghệ thuật miêu tả của tác giả đã đi sâu vào trong lòng người đọc. Việc sử dụng từ láy “Kìa non non, nước nước, mây mây” khi mô tả không gian đã góp phần làm cho không gian ấy hiện lên rõ nét, có chiều sâu. “Thỏ thẻ rừng mai”, “Lững lờ khe Yến”, tác giả miêu tả cảnh vật và làm cho cảnh vật ấy trở nên có hồn, có tâm trạng và cảm xúc, những trạng thái của cảnh vật được tác giả cảm nhận sâu sắc và diễn đạt lại như chính trạng thái của con người. Từ “vẳng” làm cho không gian của Hương Sơn trở nên rộng lớn và hùng vĩ, bên cạnh đó “tiếng chày kình” lại miêu tả không gian trầm tĩnh và sâu lắng. Những màu sắc cũng được tác giả miêu tả một cách khéo léo “Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt”.

          Cách miêu tả của nhà thơ làm cho cảnh vật trở nên có hồn, phảng phất không khí thần tiên, xa lánh với cõi trần đầy bụi bặm.

          Cách miêu tả làm cho bức tranh Hương Sơn nên thơ, nên hoạ:

Nhác trông lên [...] gấm dệt

Những câu thơ nhất mực trong sáng. Đó là sản phẩm của một cảm hứng thẩm mĩ cao độ. Yêu cái đẹp của cảnh vật đã gắn liền với lòng yêu quê hương đất nước.


Được cập nhật: 22 tháng 4 lúc 19:00:34 | Lượt xem: 392

Các bài học liên quan