Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Ai đã đặt tên cho dòng sông

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 12 tháng 2 2020 lúc 10:33:59


Mục lục
* * * * *
Ai đã đặt tên cho dòng sông

Câu 1

* Sông Hương ở vùng thượng lưu được miêu tả thật độc đáo:

- Sông Hương là dòng sông chỉ thuộc về một thành phố duy nhất.

- Vẻ đẹp bên ngoài:

+ Vẻ hùng vĩ: bản trường ca của rừng già, như cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại.

+ Vẻ trữ tình: dòng sông mang sắc đỏ của hoa đỗ quyên rừng.

- Vẻ đẹp bên trong:

+ Rừng già hung đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng.

+ Dòng sông mang sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.

+ Dòng sông Hương là người con gái được sinh ra từ tình yêu say đắm giữa bà mẹ rừng già và ông bố Trường Sơn.

* Nét riêng trong lối viết kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường:

- Đầu bài viết người đọc cảm nhận sự tài hoa từ ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường: liên tưởng, kì thú, xác đáng, ngôn từ gợi cảm… hấp dẫn về con sông mang nét thơ mộng.

- Kết thúc tác giả thể hiện trọn vẹn con sông, tâm hồn sâu thẳm của nó, dẫn dắt, mở sang đoạn tiếp.

Câu 2

Vẻ đẹp của sông Hương khi chảy xuôi về đồng bằng và ngoại vi thành phố:

* Vẻ đẹp của sông Hương ở đồng bằng được coi là hành trình chủ động đi tìm tình nhân, như hành trình của người con gái lần đầu đến với tình yêu.

- “Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”.

- Ở cửa rừng, sông Hương chuyển dòng liên tục.

- Từ ngã ba Tuần đến chân đồi Thiên Mụ, sông Hương trải qua chặng đường gian nan thử thách.

- Từ chân đồi Thiên Mụ đến Huế, sông Hương trở nên tươi vui hẳn lên.

=> Bằng bút pháp miêu tả nhân cách hóa kết hợp với góc nhìn cổ tích, địa lí, hội họa, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhìn thấy vẻ đẹp của dòng sông ở cả vùng đồng bằng và ở ngoại vi thành phố.

Câu 3

Vẻ đẹp của sông Hương trong lòng thành phố Huế:

- Tác giả so sánh với những dòng sông khác trên thế giới: sông Xen, sông Đa-nuýp,…

- Sông Hương được miêu tả nhờ quan sát tinh tế, cả về cảnh quan hai bên bờ, dòng chảy của dòng sông.

+ Bóng mát hai bên bờ che chở cho dòng sông xinh đẹp.

+ Sông Hương trôi đi thật chậm, cơ hồ chỉ còn là mặt hồ yên tĩnh.

+ Sông Hương được cảm nhận qua tâm hồn của người con xa xứ. Khi đối diện với sông Nê-va tác giả lại nhớ sông Hương, nhớ cái điệu chảy lặng lờ mà tác giả gọi đó là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế và như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu.

Câu 4

Những phẩm chất của dòng sông trong lịch sử và thơ ca:

a. Sông Hương trong chiều dài thời gian lịch sử

- Sông Hương hiện lên như một nhân chứng lịch sử:

+ Sông Hương là dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng.

+ Thế kỉ XIX: “sống hết lịch sử bi tráng với máu của những cuộc khởi nghĩa”

+ Vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ.

- Sông Hương hiện lên như một người con gái anh hùng: đã có thời con sông Hương mang tên Linh giang, dòng sông viễn châu đã bảo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc Đại Việt trong các thế kỉ trung đại, vẻ vang đi vào thời đại cách mạng tháng 8 với những chiến công rung chuyển.

- Sông Hương là một công dân có ý thức trách nhiệm sâu sắc với đất nước: khi nghe lời gọi biết hiến đời mình làm nên chiến công.

=> Sông Hương đến với Huế không chỉ để trở thành người con gái chung thủy, thiết tha mà còn để trở thành một người con gái anh dũng, kiên cường. Dòng sông ấy đến với Huế còn để góp sức mình bảo vệ mảnh đất Châu Hóa, bảo vệ biên giới phía nam của đất nước. => Sông Hương và Huế không chỉ là cặp tình nhân đắm say mà còn là cặp tình nhân anh hùng.

b. Sông Hương trong chiều sâu văn hóa

* Dòng sông của âm nhạc: Cũng như nàng Kiều không chỉ có nhan sắc mà còn rất mực tài hoa, sông Hương trong cách nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường còn là một “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”.

- Cái nhìn này trước hết có cơ sở từ thực tế: Sông Hương là dòng sông âm nhạc, đây cũng là nét riêng không thể lẫn của sông Hương với các dòng sông khác của đất nước.

- Điểm gặp gỡ của cả nền âm nhạc cổ điển cũng như những câu hò dân gian là đều đã được sinh thành trên mặt nước sông Hương, nên nó chỉ vang lên hay nhất “trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya”.

- Theo tác giả, sở dĩ “những bản đàn đã đi suốt đời Kiều” hay đến thế, làm thổn thức lòng người đến thế là do Nguyễn Du đã “bao năm lênh đênh trên quãng sông này, với một phiến trăng sầu” để cảm nhận và truyền tải được cái thần cái hồn của nền âm nhạc Huế trong đó.

* Dòng sông của thi ca:

 Ở điểm này, người con gái đẹp, người con gái đa tình, người tài nữ đã thực sự trở thành nàng thơ trong những tâm hồn thi sĩ. Sự phong phú của diện mạo và cốt cách văn hóa đã khiến sông Hương trong thơ ca được khám phá và rung động theo một cách rất riêng, không bao giờ lặp lại:

+ “Từ xanh biếc thường ngày, nó bỗng thay màu thực bất ngờ “dòng sông trắng- lá cây xanh” trong cái nhìn tinh tế của Tản Đà

+ “Từ tha thướt mơ màng nó chợt nhiên hùng tráng lên như “kiếm dựng trời xanh” trong khí phách của Cao Bá Quát”.

+ “Từ nỗi quan hoài vạn cổ với bóng chiều bảng lảng trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, nó đột khởi thành sức mạnh phục sinh cả tâm hồn trong thơ Tố Hữu”.

* Dòng sông của huyền thoại:

 Ngay cả đến cái tên của dòng sông Hương cũng có một vẻ rất riêng của con gái để làm bâng khuâng một tâm hồn thi sĩ. Và khi ấy, cái tên của dòng sông lại gắn với một huyền thoại đẹp, để dòng sông trở thành con sông huyền thoại được yêu quý bởi người của đôi bờ: “Vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống lòng sông cho làn nước thơm tho mãi mãi”.

=> Như vậy, nhìn từ góc độ văn hóa, con sông của xứ Huế vốn đã rất đẹp ở diện mạo, dáng vẻ lại càng đằm thắm và đầy sức mê hoặc ở chiều sâu tâm hồn.

Câu 5

Nét đặc sắc trong văn phong của tác giả:

- Tình yêu dạt dào, sâu lắng của tác giả dành cho quê hương, xứ sở vào đối tượng miêu tả, khiến đối tượng trở nên lung linh, huyền ảo, đa dạng như chính con người sống động.

- Sự liên tưởng diệu kì, những hiểu biết phong phú về kiến thức địa lý, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và trải nghiệm bản thân.

- Ngôn từ trong sáng, phong phú, gợi tả, gợi cảm, giàu chất thơ.

- Sử dụng thuần thục các phép tu từ: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ.

- Sự kết hợp hài hòa của cảm xúc, trí tuệ, chủ quan và khách quan.


Được cập nhật: hôm kia lúc 19:32:55 | Lượt xem: 347

Các bài học liên quan