Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

1. Ôn tập phần Tiếng Việt: Từ loại Tiếng Việt

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 24 tháng 6 2020 lúc 11:35:39


Mục lục
* * * * *

I. Kiến thức cơ bản

1. Danh từ

a) Khái niệm: Danh từ là từ chỉ sự vật, hiện tượng, khái niệm.

b) Các loại danh từ:

- Danh từ chỉ sự vật:

   + Danh từ chung: Là những danh từ có thể dùng làm tên gọi cho một loạt sự vật cùng loại. VD: bàn, ghế, quần, áo, sách, bút ...

   + Danh từ riêng: Là những danh từ dùng làm tên gọi riêng cho từng cá thể, sự vật, người, địa phương, cơ quan, tổ chức. VD: Hoàng, Trang, Hà nội, Trường THCS Ba Đình ...

- Danh từ chỉ đơn vị:

   + Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên (còn gọi là loại từ). VD: cái, con, hòn, viên, tấm, bức, bọn, nhóm ...

   + Danh từ chỉ đơn vị quy ước (Danh từ chỉ đơn vị chính xác và danh từ chỉ đơn vị ước chừng). VD: mét, lít, kg; nắm, mớ,...

2. Động từ

a) Khái niệm: Động từ là những từ có ý nghĩa khái quát chỉ hành động, trạng thái của sự vật. Động từ có khả năng kết hợp với các từ đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, cứ, còn, hãy, đừng, chớ ... và thường làm vị ngữ trong câu.

b) Các loại động từ: Động từ tình thái, động từ hành động trạng thái,

3. Tính từ

a) Khái niệm: Là những từ có ý nghĩa khái quát chỉ đặc điểm, tính chất. Tính từ có khả năng kết hợp với đã, đang, sẽ, rất, lắm, quá. Thường làm vị ngữ trong câu hoặc phụ ngữ trong cụm danh từ và cụm động từ.

b) Các loại tính từ: Tính từ không đi kèm các từ chỉ mức độ và tính từ có thể đi kèm các từ chỉ mức độ.

4. Số từ:

Khái niệm: Là những từ chỉ số lượng hoặc số thứ tự.

VD: môt, hai, ba, ...thứ nhất, thứ nhì, thứ ba....

5. Đại từ

Khái niệm: là những từ dùng để thay thế cho người, sự vật, hoạt động, tính chất được nói đến hoặc dùng để hỏi. Đại từ không có nghĩa cố định, nghĩa của đại từ phụ thuộc vào nghĩa của từ ngữ mà nó thay thế.

VD: tôi, tao, ta, chúng tôi, chúng tao, mày, mi, chúng mày, nó, hắn chúng nó, họ.....

6. Lượng từ

Khái niệm: là những từ chỉ lượng ít hay nhiều một cách khái quát.

VD: những, các, mọi, mỗi, tất cả, cả, từng....

7. Chỉ từ

Khái niệm: là những từ dùng để chỏ vào sự vật xác định sự vật theo các vị trí không gian thời gian.

VD: này, kia, ấy, nọ...

8. Phó từ

Khái niệm: là những từ chuyên đi kèm để bổ sung ý nghĩa cho động từ và tính từ. Phó từ không có khả năng gọi tên các quan hệ về ý nghĩa mà nó bổ sung cho động từ và tính từ.

VD: đã, đang, sẽ, hãy đừng, chớ, từng, mới, sắp, rất, lắm, quá, cực kì....

9. Quan hệ từ

Khái niệm: là những từ dùng nối các bộ phận của câu, các câu, các đoạn với nhau để biểu thị các quan hệ khác nhau giữa chúng.

VD: và, vì...nên..., tuy...nhưng..., càng....càng..., để...thì....

10. Trợ từ

Khái niệm: là các từ chuyên đi kèm các từ ngữ khác để nhấn mạnh hoặc để nêu ý nghĩa đánh giá sự vật, sự việc được các từ ngữ đó biểu thị. Trợ từ không có khả năng làm thành một câu độc lập.

Ví dụ: những, có, chính, đích, ngay,...

11. Thán từ

Khái niệm: là những từ dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của người nói hoặc dùng để gọi đáp. Thán từ thường đứng ở đầu câu, có khi nó được tách ra thành một câu đặc biệt.

Thán từ gồm 2 loại chính:

- Thán từ bộc lộ tình cảm, cảm xúc: a, ái, ôi, ô hay, than ôi, trời ơi,...

- Thán từ gọi đáp: này, ơi, vâng, dạ, ừ....

12. Tình thái từ

Khái niệm: là những từ dùng để tạo các kiểu câu phân loại theo mục đích nói.

VD: Tình thái từ tạo câu nghi vấn: à, ư, hả, chứ, chăng....

Tình thái từ tạo câu cầu khiến: đi, nào, với....

Tình thái từ tạo câu cảm thán: thay, sao...

II. Luyện tập

1. Dạng bài tập 2 điểm

Đề 1. Cho các câu sau:

a) Tôi / không / lội / qua / sông / thả / diều / như / thằng / Quý / và / không / đi / ra / đồng / nô đùa / như / thằng / Sơn / nữa.

b) Trong / chiếc / áo /vải / dù / đen / dài / tôi / cảm thấy / mình / trang trọng / và / đứng đắn.

(Thanh Tịnh – Tôi đi học)

- Xác định từ loại cho các từ trong các câu trên.

- Hãy cho ví dụ về từ loại còn thiếu trong các câu trên.

Trả lời:

* Xác định từ loại:

- Danh từ: sông, diều, thằng, Quý, Sơn, đồng, chiếc, áo, vải, dù.

- Động từ: lội, thả, đi, ra, nô đùa, cảm thấy.

- Tính từ: đen, dài, trang trọng, đứng đắn.

- Đại từ: tôi, mình.

- Phó từ: không, nữa,

- Quan hệ từ: qua, và, như.

* Ví dụ về một số từ loại còn thiếu:

- Số từ: hai, ba, thứ hai, thứ ba.

- Lượng từ: những, các, mọi, mỗi.

- Chỉ từ: này, kia, ấy, nọ.

- Trợ từ: chính đích, ngay, là, những, có.

- Tình thái từ: à, ư, hử, hả, thay, sao, nhé.

- Thán từ: ôi, ô hay, dạ, vâng, ơi.

Đề 2: Hãy thêm các từ cho sau đây vào trước những từ thích hợp với chúng trong ba cột bên dưới. Cho biết mỗi từ trong ba cột đó thuộc từ loại danh từ (DT), động từ (ĐT) hay tính từ (TT) ?

a. những, các, một

b. hãy, đã, vừa

c. rất, hơi, quá

/ .../ hay        /.../ cái (lăng)        /.../đột ngột

/ .../ đọc        /.../ phục dịch        /.../ ông giáo

/.../ lần        / .../ làng        /.../ phải

/.../ nghĩ ngợi        /.../ đập        /.../ sung sướng

Trả lời:

Rất hay (TT)        một cái (lăng) (DT)        rất đột ngột (TT)

Đã đọc (ĐT)        đã phục dịch (ĐT)        những ông giáo (DT)

Một lần (DT)        các làng (DT)        rất phải (TT)

Vừa nghĩ ngợi (ĐT)        vừa đập (ĐT)        quá sung sướng (TT)


Được cập nhật: 27 tháng 3 lúc 4:36:20 | Lượt xem: 1668

Các bài học liên quan